Tiếp thêm sức mạnh tinh thần
Ngược dòng lịch sử 50 năm trước, khi Hà Nội oằn mình trước những trận tập kích bằng máy bay B52 trong chiến dịch Linebacker II của Không quân Mỹ đánh phá thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc; Bệnh viện Bạch Mai là một trong những cứ điểm phòng không của Thủ đô Hà Nội.
Trong chiến dịch này, Bệnh viện Bạch Mai đã 4 lần hứng chịu những trận ném bom hủy diệt, trong 12 ngày đêm lịch sử không thể nào quên (18/12 - 29/12/1972) ấy, 28 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đã hy sinh.
Tượng đài tưởng niệm tưởng nhớ 28 nhân viên y tế hy sinh đã được lập lên ngay tại khu nhà bị sập (vị trí hiện nay tại phía trước bên trái tòa hành chính cũ - Bệnh viện Bạch Mai, giáp Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương).
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Đài Đức Mẹ phía sau Khoa dược Bệnh viện cũng được nhiều người nhà bệnh nhân đến để cầu nguyện.
Gần như sáng nào chị Hạnh và con gái Nguyễn Hoàng Loan (10 tuổi, quê Bình Định) cũng ra điểm tâm linh này để cầu nguyện. Gần mười năm bé Loan bị bệnh tim thì cũng gần chừng ấy năm mẹ con chị Hạnh xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình.
Thắp xong nén nhang, chị Hạnh trải lòng: “Lúc mới tới nghe mọi người kể điểm tâm linh này thiêng lắm nên tôi hay ghé qua đây cầu các vị thần linh phù hộ cho con tôi được khỏe mạnh”.
Tại bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh, có một không gian thờ nhỏ bé là Đài Đức Mẹ nằm ngay một góc hành lang khu hành chính. Tượng Mẹ chỉ khoảng 0,5m đặt trên một trụ đá nhỏ giản dị, được điểm trang bởi những bông hoa tươi của khách viếng.
Không có ngày tháng rõ ràng, chỉ biết rằng không gian nguyện cầu khiêm tốn này cũng đã hiện diện ở đây khá lâu.
Những người bệnh đang nằm hành lang chờ những đợt hóa trị, xạ trị… cần lắm một nơi nương nhờ đời sống tâm linh. Họ đến với Mẹ lặng lẽ, rì rậm nguyện cầu.
Gần hai tháng qua kể từ ngày chị Hậu (Đồng Nai) đưa con tới chữa bệnh, gần như hôm nào chị cũng tới lau dọn, cắm hoa cho Mẹ.
Theo chị Hậu, địa điểm tâm linh nhỏ bé này thật sự là một niềm an ủi với người bệnh ở đây để được tiếp thêm sức mạnh tinh thần....
Và còn rất nhiều góc tâm linh ở các bệnh viện khác như: Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương Hà Nội…, vẫn có những góc tâm linh lặng lẽ bình yên lắng nghe lời nhân gian cầu khẩn vượt qua nỗi khốn khổ của nhân sinh…
Như một “liều thuốc tâm lý”
Trao đổi với PV, chuyên viên tâm lý Nguyễn Quý Quỳnh, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, khi có thân nhân nằm viện, nhất là các bệnh nhi, người ta cần đến niềm tin tâm linh. Người bệnh dù là bệnh nhi hay người trưởng thành, dưới mắt của thân nhân đều là ốm yếu và mỏng giòn, người thân cầu mong có một sức mạnh vô hình nào đó hỗ trợ thêm cho người bệnh. Một số người có niềm tin mãnh liệt đến mức họ tin vào “phép màu” - một “liệu pháp phép màu”.
“Đây như một “liều thuốc tâm lý” đôi khi có tác dụng rất tốt. Trong y khoa, các thực nghiệm placebo (giả dược) đã chứng minh tính hiệu quả của liều thuốc tâm lý - tinh thần này””, chuyên viên tâm lý Quý Quỳnh chia sẻ.
Trước ý kiến cho rằng nên bố trí một không gian, góc tâm linh riêng tại một số bệnh viện, chuyên gia phong thủy Tâm Khoa cho rằng nên làm. Lý do là bởi, bệnh viện là nơi y bác sĩ giành giật giữa sinh và tử, giữ sự sống và cái chết.
Chính vì vậy, xét về mặt tâm lý sẽ luôn là những trạng thái bất ổn về tâm lý. Còn xét về mặt tâm linh thì chắc chắn sẽ có ít nhiều sự ảnh hưởng bởi yếu tố tâm linh.
Ngày nay, ban thờ hay không gian thờ cúng thì luôn là một điểm tựa tâm linh vững vàng, trong đời sống của người dân Việt Nam. Giúp cho bình ổn về mặt tâm lý, gia tăng những trường năng lượng tích cực ở những nơi được an vị ban thờ.
Nhấn mạnh thêm về mục đích của việc bố trí không gian tâm linh tại các cơ sở y tế hiện nay, chuyên gia phong thuỷ Tâm Khoa cho rằng:
Thứ nhất, việc bài trí không gian tâm linh sẽ giúp cho những người nhà bệnh nhân - những người đang phải chiến đấu với những nỗi lo về bệnh tật có một không gian để cầu nguyện, củng cố niềm tin vào chính đạo. Từ đó, về mặt tâm lý tư tưởng vững vàng hơn.
Xét ở góc độ phong thủy, bệnh viện có nhiều trường năng lượng âm - năng lượng tiêu cực. Ban thờ là nơi quản khí trường của toàn bộ khu vực đó, cũng là nơi để Giáng Ngự của các chư vị Thần Linh - Thổ Địa.
Chính vì vậy, việc sắp đặt ban thờ trang nghiêm trang trọng cũng là để cải thiện các trường năng lượng tiêu cực và đặc biệt là một việc rất ý nghĩa để tích phúc và cầu may mắn cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, có nhiều người theo tín ngưỡng dân gian vẫn quan niệm là người mất thì sẽ còn linh hồn phảng phất ở lại. Có một không gian tâm linh sẽ giúp các linh hồn sớm siêu sinh tịnh độ. Đây cũng là một việc làm tốt ở trong Đạo Pháp.
Ngoài ra, theo chuyên gia phong thuỷ Tâm Khoa, để những góc tâm linh có thể đem đến tác dụng tốt cho người nhà bệnh nhân cũng như nhu cầu của xã hội hiện nay thì các cơ sở y tế nên làm ban thờ trang nghiêm, trang trọng, đúng nghi thức thờ cúng, phù hợp với không gian cũng như quy mô của bệnh viện.
“Tôi cũng không khuyến khích các hoạt động cúng bái linh đình. Bởi, vừa tốn kém vừa gây ảnh hưởng đến không gian chung của cộng đồng. Xưa nay, việc thờ cúng cốt yếu ở tấm lòng thành tâm chứ không phải là không gian tâm linh to hay nhỏ”, chuyên gia phong thủy nhấn mạnh.
Khánh Linh