Bác sĩ chuyên khoa Gan mật và Tiêu hóa Zhan Yixue (Trung Quốc) cho biết, vàng da là một trong những bất thường về da phổ biến nhất liên quan đến bệnh lý. Dấu hiệu này thường gặp nhất ở những người mắc bệnh về gan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì tình trạng này chỉ đơn giản là do thực phẩm và không kéo dài.
Ông chia sẻ, gần đây mình có tiếp nhận một nữ bệnh nhân cũng gặp tình trạng tương tự. Người phụ nữ này khoảng 30 tuổi, mới lập gia đình và có vẻ ngoài xinh đẹp. Cô tìm đến bệnh viện của bác sĩ Zhan trong trạng thái vô cùng lo lắng, trong tay cầm sẵn một chiếc gương nhỏ và liên tục soi nó trong khi chờ được khám.
Ảnh minh họa
Cô kể lại, gần đây đột nhiên làn da của mình chuyển sang màu vàng, nhất là vùng da mặt. Chồng cô lúc đầu chỉ tỏ ra không thích vì màu da làm ảnh hưởng tới nhan sắc của vợ. Nhưng về sau anh còn bắt đầu tránh dùng chung vật dụng ăn uống, hạn chế "chuyện chăn gối" vì cho rằng cô mắc bệnh gì đó có thể lây nhiễm. Là một doanh nhân vô cùng bận rộn, dù nhiều lần khuyên vợ đi khám nhưng anh cũng không thể cùng cô tới bệnh viện.
Khi vào khám, người phụ nữ trẻ liên tục yêu cầu bác sĩ hãy xét nghiệm gan cho mình trước. Bởi vì cô tự tìm hiểu trên mạng và nhận thấy các dấu hiệu của mình rất giống với người mắc bệnh gan. Kết quả phát hiện huyết sắc tố, chỉ số gan, bilirubin và các chỉ số khác đều bình thường.
Các điểm có màu vàng đậm gần như chỉ tập trung ở mặt và một chút ở lòng bàn tay. Các phần da khác trên cơ thể chỉ hơi vàng so với làn da vốn có của bệnh nhân. Mắt cũng không hề bị vàng trong khi vàng da, vàng mắt thường đi liền với nhau khi mắc các bệnh lý về gan. Cô cũng cho biết mình không hề có triệu chứng đặc hiệu nào khác của bệnh gan như ngứa ngáy, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu đổi màu hay sụt cân…
Sau khi nhận kết quả, lúc đầu cô vô cùng mừng rỡ vì mình khỏe mạnh nhưng sau đó thì lại ôm mặt khóc. Bởi vì cô cho rằng nếu mình không mắc bệnh gì mà tự nhiên bị vàng da thì sẽ không chữa được, chồng cô sẽ không còn yêu cô như trước nữa.
Cà rốt tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều!
Các y bác sĩ phải mất khá nhiều công sức mới khiến người phụ nữ bình tĩnh lại và thực hiện điều tra bệnh sử. Nhìn vào các dấu hiệu trên da của bệnh nhân, bác sĩ Zhan Yixue nghi ngờ là do thói quen ăn uống nên hỏi rất kỹ về thực đơn của cô.
Người phụ nữ nói rằng mình ăn uống rất lành mạnh, còn thường xuyên tập yoga và ăn chay gián đoạn để duy trì vóc dáng. Gần đây, có chút tăng cân nên cô thường xuyên uống nước ép rau củ hơn trước. Nghe một beauty blogger nổi tiếng nói cà rốt rất tốt cho giảm mỡ bụng, đẹp da, ngăn rụng tóc lại giúp phụ nữ trẻ lâu nên cô bắt đầu ăn nó mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Từ nước ép cho đến sinh tố, salad, thậm chí cô còn rửa sạch và ăn sống cả củ để tăng tác dụng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến làn da của cô chuyển sang màu vàng chứ không hề mắc bệnh lý nào về gan.
Theo giải thích của bác sĩ Zhan, người phụ nữ này mắc chứng "carrotemia" do hấp thụ quá nhiều carotene - thâm nhiễm carotene trong máu khiến da chuyển sang màu vàng. Ông chỉ ra rằng, ăn quá nhiều các loại thực phẩm giàu carotene như cà rốt, bí ngô, khoai lang, xoài, dưa hấu, cà chua cũng có thể khiến da bị vàng nhưng sẽ không gây vàng mắt và vàng móng tay giống như mắc bệnh về gan, mật hay tụy.
Cà rốt là một loại rau củ tốt cho sức khỏe, với độ giòn, vị ngon và chứa rất nhiều beta-carotene, chất xơ, vitamin K1, kali cũng như chất chống oxy hóa. Ăn cà rốt rất thích hợp cho việc giảm cân, giúp giảm cholesterol, cải thiện sức khỏe mắt, phòng bệnh tim mạch, tốt cho tiêu hóa, chắc khỏe xương, dưỡng da và tóc, thậm chí là giảm nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, ăn quá nhiều cà rốt lại dễ gây ra nhiều tác dụng phụ, thậm chí gây nguy hiểm cho cơ thể.
Đầu tiên, hấp thụ quá nhiều cà rốt có thể gây ra thâm nhiễm carotene trong máu, làm vàng da bất thường như trường hợp vừa kể trên. Xét về mặt bệnh lý, tình trạng này không khó điều trị, cũng không quá nguy hiểm. Nhưng trong trường hợp nặng, carotene huyết có thể cản trở chức năng của vitamin A, làm ảnh hưởng đến thị lực, xương, da, trao đổi chất hoặc hệ thống miễn dịch.
Vì rất giàu beta carotene - chất quan trọng trong chuyển hóa vitamin A nên ăn quá nhiều cà rốt còn có thể gây ra ngộ độc vitamin A. Triệu chứng bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, rụng tóc, mệt mỏi và chảy máu mũi, ức chế sự hình thành xương, dẫn đến gãy xương. Độc tính vitamin A lâu dài cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Zhan giải thích thêm, độc tính xảy ra do vitamin A tan trong chất béo, nên bất kỳ lượng vitamin A dư thừa nào trong cơ thể sẽ được lưu trữ trong gan hoặc mô mỡ. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ vitamin A theo thời gian và cuối cùng gây độc cơ thể, nhất là các bệnh về rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, nhiều người không biết rằng cà rốt cũng có thể gây dị ứng, nhất là khi bạn ăn quá nhiều. Dị ứng cà rốt liên quan đến việc bị dị ứng bởi các protein cụ thể của cà rốt. Các triệu chứng của dị ứng cà rốt bao gồm ngứa hoặc sưng môi và kích ứng mắt, mũi. Nó cũng có thể gây ra đầy hơi hoặc rối loạn tiêu hóa.
Nguồn và ảnh: Topick, Eat This Not That, Sohu