Người bệnh là bà L.T.H.N. (71 tuổi, quê tỉnh Thái Bình), trước đó điều trị bệnh lý ở phổi tại một bệnh viện chuyên khoa. Tuy nhiên tình trạng ho kéo dài không giảm nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, do có nghi ngờ dị vật đường thở, kèm theo dõi viêm phổi trên tiền sử bệnh lao phổi.
Người nhà và bệnh nhân cho biết không nhớ có bị hóc xương hay không và bị từ khi nào. Chỉ nhớ khoảng 2 năm nay bị ho nhiều, kéo dài, tăng lên mỗi khi làm việc hay gắng sức; đã điều trị nhiều nơi không giảm nên nghĩ do bị lao phổi chưa hết.
Ê kíp bác sĩ thực hiện thăm khám, chỉ định nội soi kiểm tra và gắp dị vật. Cuộc nội soi tiến hành trong 30 phút, qua hình ảnh nội soi các bác sĩ phát hiện tại vị trí phế quản trung gian, thùy dưới phổi phải bị tắc 1/2 do dị vật. Trên bề mặt phế quản có viêm, xung huyết và phát hiện dị vật.
Do phần phế quản viêm, dị vật đã tồn tại lâu ngày nên ê kíp đã mất nhiều thời gian để gắp dị vật - là mảnh xương (nghi xương gà) dài hơn 2cm ra ngoài.
Theo các bác sĩ, trong suốt thời gian dài bị hóc dị vật nhưng bệnh nhân không biết, đã gây tình trạng viêm phế quản mạn tính, bệnh nhân ho nhiều. Nếu dị vật tồn tại quá lâu sẽ gây tình trạng viêm phổi, áp xe phổi và các biến chứng nguy hiểm khác.
Do vậy, khi phát hiện vấn đề bất thường ở đường thở, ho kéo dài, hay ăn uống bị ho, sặc cần được thăm khám sớm tại cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa, để phát hiện và có hướng điều trị kịp thời.
Khi vô tình bị hóc dị vật, tuyệt đối không tự lấy hay dùng tay móc dị vật; cũng như không chủ quan mà bỏ qua việc lấy dị vật. Hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám, can thiệp điều trị kịp thời.