Hơn 30 nghìn du khách đến đền Ông Hoàng Mười cầu an trong dịp Tết

Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An được xem là điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng xứ Nghệ. Vì vậy, đây là nơi được đông đảo người dân đến cầu an.

Ngôi đền 400 năm tuổi

Ngày 14/2, thống kê từ ban quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười (nằm trên địa bàn xóm Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), từ ngày mồng 1 đến mồng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nơi đây đã đón hơn 31.000 người dân và du khách đến cầu an đầu năm.

Văn hoá - Hơn 30 nghìn du khách đến đền Ông Hoàng Mười cầu an trong dịp Tết

Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An được xem là điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng xứ Nghệ.

Đền Ông Hoàng Mười tên chữ là Mỏ Hạc Linh Từ, thờ Quan Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, chở che cuộc sống cộng đồng, được nhân dân khắp mọi miền ngưỡng mộ và tôn kính. Ngoài ra, đền còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Người dân xứ Nghệ lưu truyền rất nhiều câu chuyện liên quan đến lịch sử đền Ông Hoàng Mười Nghệ An cũng như những đóng góp của ông với một số nhân vật có thật trong lịch sử. Nhiều người truyền tai nhau rằng ông Hoàng Mười là quan lớn chốn Thiên Đình, thần tiên chốn Đào Nguyên. Nhận thấy chốn nhân gian còn nhiều cơ cực, ông giáng trần để giúp dân, giúp đời.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Việt, ông Hoàng Mười chính là sự “thần thánh hóa” một nhân vật có thực trong đời sống cộng đồng ngày xa xưa, một người anh hùng có công với nhân dân. Về nhận định này, có khá nhiều dị bản khác nhau về cuộc đời của Ngài.

Văn hoá - Hơn 30 nghìn du khách đến đền Ông Hoàng Mười cầu an trong dịp Tết (Hình 2).

Đây là nơi được đông đảo người dân đến cầu an.

Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá huỷ. Năm 1995 đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An. Dù trải qua lịch sử, bị hư hỏng, đền được phục dựng theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Tại đền giữ 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.

Khu đền chính gồm ba tòa điện là Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Công trình này mang kiến trúc đền chùa thời nhà Nguyễn. Hiện tại, đền tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng một ha. Lễ hội đền Ông Hoàng Mười Nghệ An hàng năm có 2 kỳ hội lớn: Lễ hội khai điểm vào ngày Rằm tháng 3 âm lịch và lễ hội giỗ Ông Hoàng Mười vào 10/10 âm lịch.

Đền Ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử văn hoá vào năm 2002; Công nhận điểm du lịch văn hóa tâm linh năm 2018. Đặc biệt năm 2019, Lễ hội Đền ông Hoàng Mười được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Doanh thu du lịch Nghệ An ước đạt 110 tỷ đồng trong ngày mùng 4 Tết

Thông tin từ Sở Du lịch Nghệ An, chỉ tính riêng trong ngày mùng 4 Tết Nguyên đán 2024 (ngày 13/2), toàn tỉnh Nghệ An đón khoảng 90 nghìn lượt khách du lịch tại các điểm du lịch, khu di tích, khu văn hóa tâm linh... doanh thu du lịch ước đạt 110 tỷ đồng.

Ngày mùng 4 Tết cũng là ngày mà trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An diễn ra nhiều hoạt động du lịch. Do vậy đây được xem là ngày mà các đơn vị đón lượng lớn du khách về tham quan, chiêm bái, trải nghiệm dịp đầu Xuân năm mới.

Đáng chú ý như Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn), đền ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), đền thờ Vua Quang Trung (Tp. Vinh).

Văn hoá - Hơn 30 nghìn du khách đến đền Ông Hoàng Mười cầu an trong dịp Tết (Hình 3).

Không gian Tết xưa được tái hiện tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết, theo số liệu ba ngày Tết Nguyên đán cập nhập được cho thấy Khu di tích Kim Liên đón 2.100 đoàn với trên 20 nghìn lượt người.

Số lượng khách du lịch về Nghệ An trong dịp nghỉ Tết Âm lịch sẽ là một khởi đầu tốt đẹp, hứa hẹn nhiều khởi sắc cho ngành Du lịch Nghệ An phát triển mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành công trong năm 2024 và những năm tiếp theo.