Những năm gần đây, thị trường lao động nổi lên nghề gọi là huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe (health coach) - hỗ trợ khách hàng thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, nhằm đạt những mục tiêu như giảm cân, giảm mỡ, tăng cơ... từ đó cải thiện sức khỏe, hạn chế các bệnh chuyển hóa.
Minh Vũ, 28 tuổi, ở quận Hoàng Mai, từng là huấn luyện viên sức khỏe trong vòng hai năm, sau đó bỏ việc. Trước khi bước vào nghề, Vũ là giáo viên dạy tiếng Anh, không được đào tạo qua trường lớp hay thực tế về dinh dưỡng, y học, sức khỏe.
Để hành nghề, Vũ được một số người hành nghề huấn luyện viên sức khỏe đi trước dạy các kiến thức về dinh dưỡng kèm theo tác dụng của thực phẩm chức năng (bán kèm gói giảm cân).
"Chủ yếu là cách thức giảm cân, trình tự ăn uống sao cho giảm hấp thu chất sinh năng lượng hoặc chất béo, bột, đường xấu vào cơ thể. Ngoài ra là một số công thức tính calo, mỡ, nước... đơn giản. Chủ yếu chúng tôi sẽ học thuộc các kiến thức này và tư vấn cho từng trường hợp cụ thể", Vũ nói.
Tham gia lớp học với Vũ có rất nhiều người, đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như sinh viên, bán hàng tạp hóa, cán bộ về hưu, người dọn dẹp... Các học viên tốt nghiệp không có bằng cấp hoặc chứng nhận nào, tiếp tục truyền kiến thức dinh dưỡng đồng thời bán sản phẩm, lấy tư vấn dinh dưỡng làm nền tảng để khách hàng tin tưởng mua hàng.
Sau một thời gian làm nghề, Vũ nhận ra tác hại của việc truyền đạt các kiến thức theo kiểu "cóp nhặt" của một số huấn luyện viên sức khỏe. Một số người muốn tăng cân, nhưng lại được health coach hướng dẫn ăn giảm cân, không đạt mục tiêu đề ra. Có người không uống được nhiều nước (do cơ địa), nhưng bị tư vấn uống 3-4 lít nước một ngày để tối ưu liệu trình giảm béo, khiến bị chóng mặt, buồn nôn, chuột rút phải đi viện. Một số người được tư vấn uống trà, cà phê, sau đó xuất hiện triệu chứng say. Một vài sản phẩm có tác dụng phụ đi ngoài, được giải thích là "cơ thể đang thải độc".
Cũng từng làm health coach, Hồng Vân, 35 tuổi, nhận định nghề nghiệp này đang trong tình trạng "vàng thau lẫn lộn". Có nhiều người tâm huyết, đam mê theo đuổi bằng cách tham dự các khóa huấn luyện về khoa học dinh dưỡng, thể thao, trau dồi đọc sách mỗi ngày. Nhưng không ít trường hợp đặt nặng chỉ tiêu doanh số bán thực phẩm chức năng, kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng, chứ không vì mục tiêu cải thiện sức khỏe cho khách hàng.
"Sản phẩm không có lỗi, lỗi nằm ở người tư vấn. Thậm chí nhiều người thần thánh hóa cho rằng sản phẩm có thể chữa được các bệnh như tiểu đường, men gan, mỡ máu..., gây mất niềm tin cho người dùng, từ đó người dân tẩy chay luôn sản phẩm", Vân nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng nên cẩn trọng với các health coach tự phong. Lý do là những người này không có bằng cấp, chứng chỉ, thời gian học việc chuyên sâu.
"Không có điều kiện nào để công nhận các health coach tự phong này. Trong khi để trở thành một bác sĩ dinh dưỡng hoặc cử nhân dinh dưỡng, họ phải học xong đại học chuyên khoa. Nhiều người theo ngành đã 4-5 năm còn chưa dám tự nhận là chuyên gia", bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ cũng gặp không ít health coach tự phong cho rằng người bình thường là khỏe mạnh, dẫn đến tư vấn sai về cách thức ăn uống, tập luyện. Như người phụ nữ ngoài 60 tuổi, suy thận vì dùng thực phẩm chức năng giảm cân không rõ thành phần, được quảng cáo là bột protein. Người này cho biết được tư vấn uống bột, ăn bánh dinh dưỡng kết hợp tập luyện liên tục trong vòng 40 phút mỗi ngày thì sẽ giảm cân. Tuy nhiên, tình trạng suy thận của bệnh nhân quá nặng, không còn kịp điều trị. Bác sĩ cho biết đây là hậu quả của việc tư vấn dinh dưỡng và tập thể dục không phù hợp với tình trạng cơ thể, lứa tuổi; cơ thể mất cân đối dinh dưỡng do người bệnh chỉ uống bột protein và tập luyện.
Theo bác sĩ Hưng, cách dinh dưỡng lành mạnh nhất gồm ăn uống đa dạng các loại thực phẩm. Chế độ ăn cần cân bằng và đủ bốn nhóm đạm, chất béo, bột đường và chất xơ, vitamin, khoáng chất. Nếu muốn giảm cân, ăn kiêng, mọi người vẫn cần ăn đủ ba bữa một ngày, chỉ ăn vặt khi có chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn cần kiểm soát năng lượng ăn vào, cân đối giữa các chất sinh năng lượng như đạm, béo, bột đường.
Một chuyên gia dinh dưỡng khác cho biết health coach tự phong thường chỉ tư vấn giảm cân, đa số áp dụng chế độ dinh dưỡng không cân bằng gây thiếu hụt các chất khác nhau như vitamin, đường bột... Những chất này đều đóng vai trò nhất định trong quá trình chuyển hóa và trao đổi chất của cơ thể, khi thiếu hụt sẽ gây rối loạn quá trình trao đổi chất. Hậu quả gần nhất là ảnh hưởng đến hệ nội tiết, sản xuất và điều hòa, gây tác động đến chu kỳ kinh nguyệt và tâm sinh lý ở nữ giới.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), nước này có 55.830 chuyên gia giáo dục sức khỏe, bao gồm cả huấn luyện viên sức khỏe, được tuyển dụng trên toàn quốc tính đến tháng 5/2021. Từ năm 2020 đến năm 2030, BLS báo cáo rằng số lượng việc làm cho các chuyên gia giáo dục sức khỏe sẽ tăng 12,4% - nhanh hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình của tất cả các ngành nghề khác trong thời gian này. Để trở thành huấn luyện viên sức khỏe, người dân phải có ít nhất bằng cao đẳng trở lên trong các lĩnh vực dinh dưỡng, thể chất, tâm lý, sức khỏe, điều dưỡng, tư vấn...
Ngoài ra, để chứng minh kỹ năng và khả năng chuyên môn, người muốn hành nghề huấn luyện viên sức khỏe phải hoàn thành các chương trình đào tạo được Hội đồng Huấn luyện viên Sức khỏe Quốc gia (NBHWC) hợp tác với Hội đồng Giám định Y khoa Quốc gia (cơ quan chứng nhận cấp phép cho các bác sĩ). Mặt khác, ứng viên cần hoàn thành 50 buổi huấn luyện và chăm sóc sức khỏe, có kinh nghiệm làm việc 4.000 giờ trong bất cứ lĩnh vực nào, và vượt qua kỳ thi do hai đơn vị kia tổ chức. Hiện, danh sách gần 5.000 huấn luyện viên sức khỏe được NBHWC công nhận công khai trên trang web của tổ chức này để người dân kiểm chứng.
Còn tại Việt Nam, theo một chuyên gia y tế không muốn tiết lộ danh tính, nghề huấn luyện viên sức khỏe không nằm trong danh mục các ngành nghề cần được đào tạo trình độ trung cấp/cao đẳng theo thông tư 26 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ở nước ta cũng chưa có quy định ai đủ tiêu chuẩn để làm công việc này, do đó chưa có sự giám sát và quản lý về mặt pháp luật của nhà nước đối với nghề này. "Đây là khoảng trống để mọc lên các huấn luyện viên tự phong, không có kiến thức cũng như chuyên môn về sinh hóa, dinh dưỡng, sức khỏe, lan truyền các kiến thức y khoa sai lệch", vị này nói.
Trong lúc đó, theo các chuyên gia, cách tốt nhất để giảm cân, cải thiện sức khỏe đối với người có bềnh nền là tìm tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng khám, tư vấn, cần thiết làm thêm các xét nghiệm phù hợp. Mọi người sẽ nhận được lời khuyên về dinh dưỡng và luyện tập chính xác nhất, không phụ thuộc hoàn toàn vào thực phẩm chức năng.
Chi Lê