Làng đúc lư đồng hơn 100 năm tuổi “đỏ lửa” những ngày cận Tết

Trải qua bao đời, lửa đam mê nghề của các nghệ nhân ở làng nghề đúc đồng An Hội có lịch sử hơn 100 năm vẫn rạo rực, để tạo nên những tác phẩm thủ công độc đáo.

Vùng đất Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) từng có 3 làng nghề làm đồng nổi tiếng. Nhưng vì nhiều lý do - trong đó có làn sóng đô thị hóa - 2 làng nghề đúc đồng Hòa Hưng (quận 10) và Tân Hòa Đông (quận 6) nay đã là dĩ vãng. Giờ chỉ còn lại duy nhất làng nghề đúc lư đồng An Hội nhưng quy mô cũng ngày một nhỏ dần. 

Văn hoá - Làng đúc lư đồng hơn 100 năm tuổi “đỏ lửa” những ngày cận Tết

Nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải qua nhiều công đoạn.

Từ trục đường Quang Trung sầm uất nhất quận Gò Vấp quẹo vào một nhánh nhỏ là đến đường Nguyễn Duy Cung - nơi có làng nghề đúc đồng An Hội một thời vang bóng. 2 bên đường là các cửa hàng lớn trưng bày lư đồng của các nghệ nhân như Năm Toàn, Ba Cồ… Rẽ theo nhiều nhánh nhỏ khác là các tiệm lư đồng của nghệ nhân Quốc Kiển, Sáu Bảnh.

Những nghệ nhân này có quan hệ anh em, họ hàng gần xa với nhau. Phía sau những gian hàng sáng loáng, vàng ánh này là một bảo tàng nghề quý giá mà thành phố hiện đại nhất nước may mắn gìn giữ được. 

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến cơ sở lư đồng Quốc Kiển - cơ sở lớn nhất trong số ít hộ dân theo nghề còn lại. Tại đây, tiếng búa đục gõ leng keng, tiếng máy khò lửa và hơi nóng từ lò nung đã trở thành nét đặc trưng của địa điểm này hàng trăm năm qua.

Mỗi người thợ chịu trách nhiệm một khâu, cứ xong khâu này lại chuyển tiếp sang cho người khác, tạo thành một vòng nhịp nhàng, chuyên nghiệp.

Văn hoá - Làng đúc lư đồng hơn 100 năm tuổi “đỏ lửa” những ngày cận Tết (Hình 2).

Với nhiều công phu nên mỗi bộ lư cần khoảng thời gian 20 ngày mới hoàn chỉnh.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Duy Kha, chủ cơ sở lư đồng Quốc Kiển - thế hệ thứ 5 kế thừa sản nghiệp, ngành nghề truyền thống của gia đình, cho biết, gia đình anh đã theo nghề và gìn giữ được hơn 130 năm.

“Những năm đầu của thế kỷ 20, nghề đúc lư đồng rất thịnh ở khu vực Chợ Quán (quận 5). Thời điểm đó, hàng ngàn thợ đúc lư đồng làm việc luôn tay vẫn không đáp ứng đủ đơn đặt hàng của dân buôn ở các vùng miệt vườn Nam bộ. Thời điểm cực thịnh của nghề đúc lư đồng, An Hội có đến gần 30 cơ sở với hàng trăm công nhân, nghệ nhân làm việc. Cơ sở lư đồng Quốc Kiển của gia đình anh là một trong bốn hộ còn theo đuổi nghề truyền thống”, anh Kha cho hay.

Khoảng 2 tháng cuối năm trước Tết Nguyên đán là thời điểm các lò lư hoạt động hết công suất. Mỗi lò có trên dưới chục người, tất bật làm việc cả ngày lẫn đêm. Tiếng chạm trổ, đập khuôn, khò lửa,… trở thành những âm thanh quen thuộc đặc trưng của làng nghề lư đồng An Hội.

Theo quan sát của chúng tôi, nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải qua nhiều công đoạn. Tất cả lại làm thủ công nên đòi hỏi người thợ không chỉ có kỹ thuật cao mà còn phải kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Mỗi thợ thường chỉ đảm nhiệm một công đoạn.

Văn hoá - Làng đúc lư đồng hơn 100 năm tuổi “đỏ lửa” những ngày cận Tết (Hình 3).

Người thợ bắt đầu từ việc làm khuôn và nung khuôn để khuôn cứng cáp.

Để tạo ra một bộ lư đồng hoàn chỉnh, các nghệ nhân ở đây phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Người thợ bắt đầu từ việc làm khuôn và nung khuôn để khuôn cứng cáp. Tiếp đến là giai đoạn nấu đồng tan chảy để đổ vào khuôn và làm nguội để lấy sản phẩm.

Công đoạn cuối cùng là quan trọng nhất, những nghệ nhân tại đây bằng bàn tay điêu luyện của mình sẽ hàn và chạm thêm họa tiết cho những lư đồng và đánh bóng sản phẩm để cho ra một bộ lư hoàn chỉnh. Với nhiều công phu nên mỗi bộ lư cần khoảng thời gian 20 ngày mới hoàn chỉnh.

Thông thường, một bộ lư đồng có 6 món, chủ yếu là dạng lư tròn hoặc lư vuông. Tùy vào kích thước, sự tỉ mỉ, công phu của mỗi sản phẩm một bộ lư có giá dao động từ 3 triệu đến 20 triệu đồng.

Nói về tiềm năng của làng nghề, anh Kha cho hay: “Khi mọi thứ được công nghiệp hóa quá độ, mọi người lại có xu hướng tìm về những điều mộc mạc, những sản phẩm thủ công mang đậm chất riêng của từng nghệ nhân”.

Theo anh, trong tương lai, có thể làng nghề sẽ bắt tay với các công ty du lịch để làm điểm tham quan, hướng dẫn về chế tác đồ đồng. Hiện Trần Duy Kha đang mày mò chế tác thêm nhiều sản phẩm trang trí nội thất và gia dụng bằng đồng.

Với sự năng động của người trẻ, Trần Duy Kha chủ động xây dựng thương hiệu và làm truyền thông cho lò lư đồng của gia đình. Anh chăm chút cho trang web, trang Facebook, kênh TikTok.

Anh tâm sự: “Mình phải cố gắng để nhiều người biết đến tinh hoa của làng nghề An Hội và trân trọng các sản phẩm lư đồng thờ cúng. Có rất nhiều phản hồi thích thú khi biết giữa thành phố năng động, hiện đại này vẫn còn làng nghề hơn trăm tuổi”.

Hơn hết, anh muốn thông qua các kênh truyền thông của mình để tiếp cận, tuyển dụng, đào tạo các lứa thợ trẻ. 

Văn hoá - Làng đúc lư đồng hơn 100 năm tuổi “đỏ lửa” những ngày cận Tết (Hình 4).

Mẫu mã lư đồng An Hội rất đa dạng do được làm thủ công và đường nét vô cùng tinh xảo.

Dù không còn như trước nhưng chất lượng của lư đồng An Hội luôn được đánh giá cao, bởi mẫu mã đa dạng do được làm thủ công và đường nét vô cùng tinh xảo, có hồn. Trong khi, nếu sản xuất công nghiệp thường có màu xanh, xỉn màu sau vài năm sử dụng và mẫu mã không nhiều.

Như một bản nhạc lúc thăng lúc trầm, lư đồng An Hội đã từng thăng hoa và giờ đang trầm lắng xuống nhưng đó không có nghĩa là sự kết thúc.

Bởi, đây không đơn thuần là một nghề mà nó còn là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.