Lặng thầm nghề hộ lý nơi hành lang bệnh viện

Tất bật với những công việc không tên, dù đêm hay ngày, với các hộ lý ở bệnh viện, đó cũng là một niềm vui. Được chia sẻ áp lực với những vất vả của các bác sĩ, điều dưỡng, góp phần nhỏ nhoi để bệnh nhân nhanh chóng khỏe mạnh là hạnh phúc của người làm nghề nơi hành lang bệnh viện.

Niềm vui thay nỗi vất vả

Sáng sớm, trước khi các bác sĩ tiến hành thăm khám bệnh nhân vào giờ hành chính, chị Lê Thị Năm, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã hoàn thành tất cả công việc, từ dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh, thay ga giường, lau người, thay tã, quần áo cho bệnh nhân…

Lặng thầm nghề hộ lý nơi hành lang bệnh viện - Ảnh 1.

Hộ lý Lê Thị Năm phụ điều dưỡng thay tã, vệ sinh cho người bệnh nằm liệt giường (ảnh: Kim Dung).

Gắn bó với nghề hơn 33 năm, chăm sóc không biết bao nhiêu bệnh nhân, đọng lại trong ký ức của nữ hộ lý 52 tuổi của khoa Nội thần kinh là chăm sóc, phục vụ những bệnh nhân vô danh (người không có thông tin nhân thân khi nhập viện).

Chị Năm kể, những ca bệnh vô danh đều có một điểm chung là thiếu thốn tình cảm nên các điều dưỡng, hộ lý xem họ như người thân. Có người yếu liệt dễ bị lở loét, cần sự chăm sóc tỉ mỉ xuyên suốt. Chị em trong khoa thay nhau đút cơm cháo, vệ sinh tắm rửa mỗi ngày cho đến khi người bệnh hồi phục sức khỏe hoàn toàn.

Cách đây không lâu, một cụ ông nằm viện kéo dài đến 6 tháng, chị đã chăm sóc từ lúc bệnh nhân mê man với nhiều máy móc thiết bị trên người, đến khi hồi phục và khỏe mạnh.

Mặc dù bệnh viện và các cơ quan chức năng tích cực phối hợp để tìm người nhà nhưng vẫn không xác nhận được danh tính cho cụ ông. Ngày bệnh nhân được chuyển qua trại dưỡng lão, chị Năm và bệnh nhân đều rơm rớm nước mắt: "Không biết người nhà ở đâu mà bệnh nhân không biết, hỏi chú cũng có nhớ gì đâu. Ở trong đây mấy tháng trời, mình nuôi riết, đút ăn, lau người, chăm sóc. Nằm riết mà thấy mình làm cũng rớt nước mắt. Chăm sóc rồi bệnh nhân khỏe mạnh thì tụi em cũng mừng”.

Lặng thầm nghề hộ lý nơi hành lang bệnh viện - Ảnh 2.

Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận các ca bệnh rất nặng, 50% là tai nạn giao thông. Hộ lý cũng tất bật phụ giúp nhiều công việc, đỡ đần cho điều dưỡng chăm sóc người bệnh (ảnh: Kim Dung).

Cũng như những hộ lý của các bệnh viện khác, 5 giờ sáng hàng này, chị Nguyễn Thị Nguyệt đã rời khỏi nhà để đến Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM làm việc. Công việc vất vả, nhưng chị luôn cảm thấy vui, bởi được y bác sĩ tin tưởng và được các bệnh nhân nhớ đến: “Phần đông vô đây người ta rất mệt mỏi, rồi thấy đông nữa, thấy sự lo lắng của người bệnh, gia đình mà có người bệnh thì họ rất hoang mang, hay hỏi thì mình phải trả lời. Một lần nói họ không hiểu thì hỏi 2,3 lần mình cũng phải cố gắng nói cho người ta hiểu. Nói là xoa dịu để khiến người ta nhẹ lòng. Mình làm cái gì mà trôi chảy cho bệnh nhân thì mình mừng lắm. Ngày hôm đó vui lắm”.

San sẻ gánh nặng công việc

Tại khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tập trung các ca nặng, rất nặng, hôn mê, luôn trong tình trạng quá tải. Các điều dưỡng liên tục hút đàm, thông đường thở cho người bệnh, đánh răng, cho bệnh nhân uống sữa. Còn bác sĩ ra vào liên tục để nhận bệnh, thay ống nội khí quản…

Hộ lý Nguyễn Thị Kim Trang cũng tất bật với công việc phụ như: Vận chuyển người bệnh đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chuyển bệnh, thu gom đồ bẩn để thay đổi mới cho bệnh nhân, xả chất thải của người bệnh….

Chị Trang cho biết, có những đêm, nhiều ca bệnh tai nạn giao thông về khoa, bác sĩ, điều dưỡng thức trắng đêm, hộ lý cũng không dám lơ là: “Mình làm việc trực tiếp với bác sĩ và điều dưỡng, chứng kiến cảnh dành giật giữa sự sống và cái chết để cứu bệnh nhân, có nhiều đêm không có ai ngủ luôn. Mình muốn góp một phần nào đó chia sẻ với họ. Nói chung công việc ở đây thì bác sĩ và điều dưỡng làm việc quá sức. Mình muốn cống hiến một phần nào đó, nên chẳng có gì gọi là vất vả hết, miễn sao cứu được bệnh nhân”.

Còn đối với hộ lý Nguyễn Thị Bích Hạnh, khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, những lúc cao điểm sốt xuất huyết, bệnh nhi nhập viện rất đông, hộ lý cũng thức trắng đêm, sẵn sàng chạy đi làm thủ tục, nhận máu, kiểm tra các bịch máu để thay huyết tương cho các bé.

Lặng thầm nghề hộ lý nơi hành lang bệnh viện - Ảnh 4.

Hộ lý Nguyễn Thị Kim Trang xúc động tiếc thương khi nhớ về một trường hợp bệnh nhân trẻ bị tai nạn giao thông không qua khỏi (ảnh: Kim Dung).

Hộ lý Nguyễn Thị Bích Hạnh nói: “Công việc không có gì là áp lực, giống như mình đặt tình thương đối với các bé như mỗi ngày đang chăm sóc cho con mình thôi. Mình chăm sóc riết thì sẽ biết được biểu hiện của từng em bé. Ví dụ như điều dưỡng cho bé uống sữa theo giờ, theo y lệnh của bác sĩ thì mình sẽ để ý các thái độ của bé để phát hiện bé vệ sinh và cần thay tã”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến – Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ca trực có 10 điều dưỡng, chăm sóc cho hơn 40 bệnh nhân thì sẽ có 1 điều dưỡng phụ giúp. Cả khoa có 5 hộ lý, góp phần trong công tác chăm sóc người bệnh.

“Các chị hộ lý đóng một vai trò quan trọng trong việc vận hành của khoa, là một mắt xích quan trọng của khoa. Để cho công việc trôi chảy thì cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của các bên. Mỗi người mỗi nhiệm vụ, một bộ phận, có sự chia sẻ làm sao để việc chăm sóc bệnh nhân được suôn sẻ” Thạc sỹ Yến nói.

Có vị trí thấp nhất trong bệnh viện, nhưng các hộ lý vẫn luôn nhận được sự tôn trọng từ những bác sĩ, điều dưỡng, bởi nhờ có họ mà y, bác sĩ mới hoàn thành nhiệm vụ điều trị và chăm sóc người bệnh. Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 hàng năm, họ xứng đáng được nhớ đến vì những đóng góp thầm lặng vào công việc cứu người./.