Riềng được trồng trước ít nhất 1000 năm sau Công nguyên ở Trung Quốc. Vào cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, Saint Hildegard of Bingen, một triết gia người Đức, đã đặt tên cho riềng là "gia vị của cuộc sống". Đây là một trong những phương thuốc rất yêu thích của bà đối với các loại bệnh khác nhau.
Việc sử dụng loại gia vị này lan sang châu Âu, nơi riềng được sử dụng làm mọi thứ, từ trà cho đến điều trị nhiễm trùng mũi.
TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, riềng có trong nhiều công thức nấu ăn của người châu Á vì chúng có hương vị độc đáo. Loại gia vị này có nguồn gốc từ các nước châu Á, được đưa vào y học cổ truyền với tên gọi là cao lương khương.
Nhiều người mô tả hương vị của riềng đồng thời giống như đất và cam quýt, với một chút cay.
Tuy nhiên, vị cay của riềng không phải do chứa capsaicin giống như hầu hết các loại thực phẩm cay khác. Thay vì để lại cho chúng ta cảm giác bỏng rát kéo dài, riềng gây cay và vị cay đó biến mất ngay lập tức.
Riềng và gừng tuy là hai loại củ khác nhau nhưng lại cùng họ Gừng (Zingiberaceae). Thân rễ riềng chứa một lượng nhỏ calo và các chất dinh dưỡng khác.
TS Giang cho biết, riềng được phát hiện là có tác dụng tích cực đáng kể đối với các loại ung thư khác nhau, cũng như giảm các dạng viêm mãn tính thậm chí còn hơn cả các loại thuốc chống viêm. Bên cạnh đó, nó còn giúp cải thiện số lượng và chức năng của tinh trùng.
Riềng hữu ích trong việc thúc đẩy khả năng sinh sản của nam giới. Trong một mô hình chuột, các nhà nghiên cứu ở Iran đã phát hiện ra rằng riềng làm tăng số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng.
Một nghiên cứu ở Đan Mạch cũng đã xem xét ảnh hưởng của thân rễ riềng, kết hợp với chiết xuất từ quả lựu, đối với tinh trùng ở nam giới khỏe mạnh. Họ kết luận rằng số lượng tinh trùng di động tăng gấp 3 lần so với giả dược. Nghiên cứu này kéo dài 3 tháng ở 66 nam giới có chất lượng tinh trùng thấp.
Dù vậy, cần có nhiều nghiên cứu hơn trên con người để xác định tác dụng của rễ riềng đối với khả năng sinh sản của nam giới.
Theo Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, riềng làm tăng nồng độ testosterone huyết thanh đáng kể ở cả hai nhóm được điều trị so với nhóm đối chứng. Ngoài ra, tỷ lệ về khả năng sống sót và khả năng vận động của tinh trùng ở cả hai nhóm được thử nghiệm đều tăng lên đáng kể.
Điều này cho thấy loại cây này có thể hứa hẹn trong việc tăng cường các thông số sức khỏe của tinh trùng.
Tác dụng phụ của riềng
Theo TS Giang, tác dụng phụ của riềng rất hiếm và thường chỉ xảy ra khi riềng được tiêu thụ với số lượng vượt quá mức thường thấy trong thực phẩm. Giống như hầu hết các loại thảo dược, chúng ta nên tránh sử dụng riềng khi đang mang thai, trừ khi được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Riềng là một loại thực phẩm tương đối ít gây dị ứng, được đề xuất trong một số văn bản để giảm cường độ phản ứng dị ứng.
"Những người tiêu thụ một lượng lớn riềng có thể gặp tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy và năng lượng thấp. Những tác dụng phụ này có thể xảy ra do nhiễm độc cấp tính qua đường miệng, nhưng bằng chứng duy nhất về loại phản ứng này là ở chuột", TS Giang lưu ý.
Nếu những triệu chứng này xảy ra sau khi sử dụng riềng, bạn hãy cắt giảm lượng tiêu thụ.