Chuối được biết đến là một trong những loại trái cây phổ biến nhất thế giới. Chuối có vị ngọt thanh, giàu chất dinh dưỡng, là nguyên liệu chính không thể thiếu trong nhiều món ăn.
Đặc biệt, chuối còn có thể sử dụng như một loại trà.
Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết về trà chuối, một loại đồ uống vô cùng độc đáo và bổ dưỡng.
Trà chuối là gì?
Trà chuối được chế biến bằng cách đun sôi cả quả chuối chín trong nước nóng, sau đó lọc bỏ bã và dùng phần nước còn lại.
Chuối dùng để chế biến trà chuối có có thể để nguyên vỏ hoặc không tùy thuộc vào sở thích của từng người.
Tuy nhiên, trà chuối để nguyên vỏ sẽ tốn nhiều thời gian để chế biến hơn do có nhiều chất xơ. Vì vậy, nhiều người chọn cách bỏ vỏ.
Để tăng thêm hương vị, nhiều người còn cho thêm vào trà chuối một chút quế hoặc mật ong. Đặc biệt, loại trà này có thể thưởng thức vào ban đêm để hỗ trợ giấc ngủ.
Cả vỏ và thịt chuối đều rất giàu chất dinh dưỡng. Ảnh minh hoạ
Thành phần dinh dưỡng của trà chuối
Hiện tại, chưa có thông tin chi tiết về dinh dưỡng của món trà chuối.
Tuy nhiên, nguyên liệu chính của loại trà này là chuối nên nó có thể chứa một số chất dinh dưỡng trong quả chuối được hòa tan trong nước như vitamin B6, kali, magiê, mangan và đồng.
Hầu hết, nhiều người sẽ lọc bỏ phần bã chuối sau khi pha, nên trà chuối không phải là một nguồn cung cấp calo đáng kể.
Mặc dù chuối giải phóng một số chất dinh dưỡng như vitamin B6 và kali vào nước trà, nhưng uống trà chuối sẽ không cung cấp cho bạn nhiều chất dinh dưỡng như khi ăn cả quả.
Nhưng tăng thời gian ủ trà có thể làm tăng nồng độ chất dinh dưỡng trong trà chuối.
Tóm lại, trà chuối có thể là một nguồn cung cấp kali và magiê tuyệt vời, 2 chất dinh dưỡng đối với sức khỏe tim mạch và chất lượng giấc ngủ.
Hơn nữa, vitamin B6 trong trà chuối giúp hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh và phát triển các tế bào hồng cầu.
5 lợi ích của trà chuối
Giàu chất chống oxy hoá
Chuối chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên hòa tan trong nước như dopamine và gallocatechin, có thể giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim.
Đáng nói, phần vỏ chuối có mức độ chống oxy hóa cao hơn nhiều so với phần thịt. Do đó, thêm vỏ chuối vào trà của trong quá trình pha chế có thể làm tăng lượng hấp thụ các phân tử này.
Mặc dù chuối chứa nhiều vitamin C tự nhiên, nhưng trà chuối không phải là một nguồn cung cấp hoàn hảo chất chống oxy hóa tốt này. Lý do là vitamin C nhạy cảm với nhiệt và có thể dễ bị phá hủy trong quá trình pha.
Trà chuối chứa nhiều chất chống oxy hoá hoà tan trong nước. Ảnh minh hoạ
Có thể phòng ngừa đầy hơi
Trà chuối chứa nhiều kali, một khoáng chất và chất điện giải quan trọng đối với việc điều chỉnh sự cân bằng chất lỏng, giúp huyết áp khỏe mạnh và tốt cho cơ bắp.
Kali phối hợp với natri, một khoáng chất và chất điện giải khác có nhiệm vụ điều chỉnh sự cân bằng chất lỏng trong tế bào. Tuy nhiên, khi cơ thể chứa nhiều natri hơn kali, cơ thể bạn có thể bị giữ nước và đầy hơi.
Tuy nhiên, hàm lượng kali và nước trong trà chuối có thể giúp chống lại chứng đầy hơi do ăn nhiều các loại thực phẩm chứa muối bằng cách giúp thận bài tiết nhiều natri hơn vào nước tiểu.
Tốt cho giấc ngủ
Nhiều người coi trà chuối như một loại thức uống có thể giúp ngủ ngon.
Trà chuối chứa 3 chất dinh dưỡng chính mà nhiều nghiên cứu khẳng định giúp cải thiện giấc ngủ, đó là kali, magiê và tryptophan.
Chuối là một nguồn cung cấp magiê và kali dồi dào, hai khoáng chất giúp tăng chất lượng và độ dài giấc ngủ do đặc tính giúp thư giãn cơ bắp của cơ thể.
Trà chuối cũng cung cấp một số tryptophan, một axit amin quan trọng để sản xuất các hormone giúp ngủ ngon như serotonin và melatonin.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để có thể chắc chắn rằng trà chuối mang lại nhiều lợi ích cho giấc ngủ.
Trà chuối tốt cho giấc ngủ. Ảnh minh họa
Trà chuối chứa ít đường
Nếu bạn muốn hạn chế đường từ các loại đồ uống thì trà chuối là một lựa chọn thay thế hoàn hảo dành cho bạn.
Trong quá trình pha chế, chỉ có một lượng nhỏ đường trong chuối được hoà tan vào nước, lượng đường này có thể tạo vị ngọt tự nhiên cho trà.
Hầu hết mọi người tiêu thụ quá nhiều đường từ đồ uống, điều này có liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và tiểu đường loại 2.
Do đó, chọn đồ uống không có thêm đường, chẳng hạn như trà chuối, có thể là một cách để làm giảm lượng đường tiêu thụ.
Có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Các chất dinh dưỡng trong trà chuối có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch .
Trà chuối có chứa kali và magiê, được chứng minh là giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Trên thực tế, một nghiên cứu ở 90.137 phụ nữ cho thấy chế độ ăn giàu kali có liên quan đến việc giảm 27% nguy cơ đột quỵ.
Hơn nữa, một chế độ ăn giàu catechin, một loại chất chống oxy hóa trong trà chuối, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào trực tiếp xem xét các chất chống oxy hóa trong trà chuối hoặc tác động của chúng đối với nguy cơ bệnh tim.
Cách pha trà chuối đơn giản tại nhà
Trà chuối vừa thơm ngon vừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hơn nữa, cách chế biến trà chuối cũng cực kỳ đơn giản. Dưới đây là cách để chế biến 1 ly trà chuối tại nhà.
- Đổ đầy 2 – 3 cốc nước (500–750 ml) vào nồi và đun sôi.
- Bóc vỏ hoặc để nguyên vỏ một quả chuối và cắt bỏ cả hai đầu.
- Cho chuối vào nước đang đun sôi.
- Đun lửa nhỏ trong khoảng 5 – 10 phút.
- Để tăng thêm hương vị, bạn có thể thêm quế hoặc mật ong tuỳ thích.
- Lọc bỏ phần bã chuối, thu được phần nước. Chia phần nước này vào 2 – 3 cốc và thưởng thức.
Bạn có thể bảo quản trà chuối trong tủ lạnh trong vòng 1 – 2 ngày. Lưu ý, để tránh lãng phí, bạn nên sử dụng bã chuối còn sót lại cho các món ăn khác như sinh tố.
Nguồn: Healthline