'Thủ phạm' chính gây nhiều loại ung thư ở cả nam và nữ
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Phụ trách phòng khám Sản phụ khoa (Trung tâm Y tế lao động Thái Hà, Bệnh viện Nông nghiệp), virus HPV là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. HPV được phát hiện trong 99% khối u cổ tử cung, đặc biệt là các type như HPV 16 và 18.
Virus HPV không chỉ gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ mà còn là thủ phạm của nhiều loại ung thư ở nam giới như ung thư vòm họng, ung thư gốc lưỡi, ung thư dương vật…
Ths. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW) - cho biết virus HPV có thể lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra, virus HPV cũng có thể lây qua các hình thức quan hệ khác.
"Trong thực tế khám chữa bệnh, chúng tôi vẫn gặp các bạn trẻ bị sùi mào gà ở thanh quản và cổ họng do lây truyền HPV qua sinh hoạt đường miệng", bác sĩ Thành nói.
Rất may mắn, dù dễ lây lan nhưng 90% các trường hợp nhiễm HPV đều tự đào thải được virus. Các trường hợp không tự khỏi được sẽ gây ra một số vấn đề về sức khỏe như mụn cóc ở cơ quan sinh dục, mụn cóc trên da, một số trường hợp có thể gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới.
Virus HPV, ảnh minh hoạ.
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm HPV, bác sĩ Thành khuyên:
- Tiêm phòng vắc xin HPV cho cả nam và nữ. Thời điểm tiêm tốt nhất là khi chưa quan hệ tình dục. Độ tuổi lý tưởng nhất để tiêm phòng là từ 9-16 tuổi.
- Có lối sống tình dục an toàn, chung thủy, dùng các biện pháp bảo vệ như bao cao su. Quan hệ chung thủy với một bạn tình, một vợ một chồng cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan HPV.
- Khám sàng lọc định kỳ các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
"Đối với virus HPV thì áp dụng biện pháp sàng lọc kép cả virus HPV và sàng lọc tế bào ung thư cổ tử cung có thể giúp phát hiện sớm và loại trừ hoàn toàn các trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ", bác sĩ Thành nói.
Bác sĩ Dung cũng nhấn mạnh thêm trong quá trình thăm khám phụ khoa, bác sĩ đã gặp không ít trường hợp mắc ung thư cổ tử cung, trong đó có là trường hợp mắc ung cổ tử cung ở giai đoạn muộn vì không khám phụ khoa định kỳ.
Nữ bệnh nhân này 56 tuổi, đã mãn kinh, nhập viện trong tình trạng chảy máu 'vùng kín'. Theo chia sẻ của bệnh nhân, sau khi quan hệ với chồng, bệnh nhân cảm thấy đau nhói, sau đó máu chảy ra nhiều từ 'vùng kín'. Ngay lập tức bệnh nhân đã gọi điện cho bác sĩ Dung và nhập viện cấp cứu.
"Khi khám, tôi rất bất ngờ phát hiện rất nhiều gờ gồ ghề. Đó chính là những khối u nhú chằng chịt trong tử cung người bệnh, có thể đã di căn sang cả trực tràng", bác sĩ Dung nói.
Kết quả sinh thiết khẳng định bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung phải điều trị kết hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Bác sĩ Dung khuyến cáo thêm sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm trước khi bệnh gây ra các triệu chứng, giúp cơ hội điều trị thành công cao.
Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ.
Dấu hiệu phát hiện ung thư cổ tử cung:
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.
- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
- Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu.
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.
- Kinh nguyệt kéo dài, không đều.
- Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân
https://soha.vn/loai-virus-de-lay-la-nguyen-nhan-chinh-gay-ra-nhieu-loai-ung-thu-nguoi-viet-can-de-chung-20220611103601281.htm