Tối 30/3, Tỉnh ủy Tây Ninh cùng báo Nhân Dân phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật "Tây Ninh - Khúc hát tự hào".
Chương trình Tây Ninh – Khúc hát tự hào nhằm ôn lại lịch sử, tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta nói chung, quân và dân Tây Ninh nói riêng trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc; qua đó, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, Chương trình nghệ thuật chính luận "Tây Ninh - Khúc hát tự hào" do báo Nhân Dân và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức là dịp để ôn lại lịch sử bi tráng nhưng rất đỗi hào hùng; những khó khăn thách thức cũng như sức bật vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và quân dân Tây Ninh trong giai đoạn mới.
Đó là cơ hội để tái hiện và ôn lại lịch sử vùng đất Tây Ninh anh hùng trong suốt hành trình đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trên vùng Bắc Tây Ninh, Xứ uỷ và Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam bộ được thành lập và mở rộng trên vùng đất Tân Biên - Tân Châu ngày nay.
Suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tây Ninh là căn cứ địa kháng chiến đầu não của cách mạng miền Nam, nơi trú đóng của Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Lịch sử đã 2 lần chọn Tây Ninh làm căn cứ địa cách mạng. Sự lựa chọn ấy hoàn toàn có cơ sở đúng đắn dựa trên thế đất, lòng dân, hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Để rồi, Căn cứ địa Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu Bắc Tây Ninh, cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam mãi mãi là biểu tượng chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện giá trị tinh hoa về tư tưởng “thà hy sinh tất cả, chứ nhất quyết không chịu làm nô lệ”.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015, GRDP của Tây Ninh tăng bình quân hằng năm 10,5%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới. Sang giai đoạn 2016-2020, GRDP của tỉnh đạt 7,2%, cao hơn mức của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,5 lần so năm 2015. Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời. Đến 2020, toàn tỉnh có 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 7,8 tỷ USD. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Sau nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Tây Ninh đã đạt nhiều thành quả quan trọng về kinh tế-xã hội, đúng như Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra. Đặc biệt, hệ thống thương mại phát triển nhanh và rộng khắp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 9,8%/năm, trong đó, ngành bán lẻ chiếm tỷ trọng bình quân trên 80%. Công tác phân giới, cắm mốc đạt kết quả quan trọng, góp phần hoàn chung 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.
Từ vùng đất khó khăn và liên tục chịu đựng chiến tranh, bằng nghị lực đôi tay và khối óc của mình, Đảng bộ và chính quyền, quân dân Tây Ninh đã đưa địa phương thành điểm đến ấn tượng được nhiều người yêu thích, với nhiều di tích lịch sử văn hóa như Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, Căn cứ Ban An ninh Trung Ương cục Miền Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Thông tấn xã Giải phóng, nhiều danh lam thắng cảnh, các khu du lịch sinh thái như Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, núi Bà Đen, chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Gò Kén, Hồ Dầu Tiếng… Sự thay đổi từng ngày của Tây Ninh hôm nay đã góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng chung của đất nước.