Sau 1 tuần, với sự điều trị của nhiều chuyên khoa như cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật lồng ngực mạch máu, gây mê, hồi sức tích cực, đặc biệt là vai trò của ê-kíp can thiệp mạch, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.
Sáng 18-12, TS-BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh-Bệnh viện Quân y 175, cho biết vừa kịp thời cứu nam sinh viên L.M.S (18 tuổi, học 1 trường đại học trên địa bàn TP HCM) bị đâm thủng động mạch đốt sống.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thủng mạch máu lớn vùng cổ, máu chảy nhiều, tiên lượng nguy kịch.
Ê kíp cấp cứu cầm máu vết thương, đồng thời kích hoạt báo động đỏ. Bệnh nhân được xét nghiệm cấp cứu, chụp cắt lớp vi tính đầu cổ, kết quả cho thấy bị vỡ di lệch mỏm ngang đốt sống cổ C2 bên phải, thủng thành bên động mạch đốt sống phải.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và can thiệp nội mạch xử lý chỗ thủng động mạch đốt sống, theo dõi, xử lý các sang thương như mạch máu nhỏ vùng cổ, sang chấn tâm lý…
Sau 1 tuần điều trị, với sự hợp sức của nhiều liên chuyên khoa như cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật lồng ngực mạch máu, gây mê, hồi sức tích cực, đặc biệt là ê kíp can thiệp mạch, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.
Theo bác sĩ Khoa, điều trị thủng động mạch đốt sống do vết thương xuyên thấu là vấn đề rất nan giải. Có hai phương pháp xử lý thủng động mạch đốt sống là phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Phẫu thuật xử lý một động mạch đốt sống đang chảy máu được xem là một trong những loại phẫu thuật phức tạp và thử thách nhất dành cho các phẫu thuật viên, kể cả đối với những người giàu kinh nghiệm.
"Đây là ca bệnh nặng hiếm gặp, đến nay y văn ít ghi nhận. Lý do vì đường đi của động mạch đốt sống được che chở, bảo vệ chắc chắn bởi hệ thống xương cột sống cổ và hộp sọ nên hiếm khi bị tổn thương bởi vết thương xuyên thấu"-bác sĩ Khoa nhấn mạnh.
Can thiệp nội mạch qua da là luồn dụng cụ trong lòng mạch máu đến vị trí động mạch đốt sống bị thủng, xử lý chỗ thủng bằng các vật liệu phù hợp (coil, bóng, keo, stent…).
Dù kỹ thuật này "sinh sau, đẻ muộn" nhưng đã nhanh chóng chứng minh ưu điểm so với phẫu thuật do đặc tính xâm lấn tối thiểu, tránh được nguy cơ tổn thương các cấu trúc giải phẫu quan trọng ở vùng cổ trong quá trình thao tác. Đồng thời, rút ngắn thời gian điều trị.
Đặc biệt, có thể dễ dàng đánh giá và kiểm soát động mạch đốt sống đối bên và động mạch thân nền trong suốt thủ thuật - yếu tố quan trọng đảm bảo dự hậu thành công của việc điều trị sang thương dạng này mà phương pháp phẫu thuật không thể có được.