Mỡ lợn có phải là "sát thủ" sức khỏe? Chuyên gia phân tích lợi - hại và chỉ cách ăn đúng

Mỡ lợn thường bị gắn với tin đồn không tốt cho sức khỏe, gây ra bệnh tim mạch khiến nhiều người bỏ hoàn toàn mỡ lợn và chuyển sang ăn dầu thực vật.

Mỡ lợn là một thực phẩm vô cùng thân thuộc trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Từ thời xa xưa, mỡ lợn đã được sử dụng rất nhiều trong nấu ăn bởi nó tạo ra hương vị thơm ngon, béo ngậy cho món ăn. Tuy nhiên, mỡ lợn lại bị “gán mác” là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch.

Vậy, mỡ lợn đem lại dinh dưỡng và sự ngon miệng cho món ăn hay là "sát thủ” đối với sức khỏe con người.

1. Ăn mỡ lợn - lợi hay hại sức khỏe?

Đã có thời, mỡ lợn là “khách quen” trên bàn ăn của các gia đình Việt Nam, nhưng trong mắt người trẻ hiện nay, mỡ lợn đã trở thành “thủ phạm” gây bệnh tim mạch do nó chứa nhiều axit béo bão hòa.

Tuy nhiên, chất béo bão hòa khi được sử dụng đúng cách với liều lượng vừa phải sẽ giúp bạn hấp thụ chất dinh dưỡng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp bạn kiềm chế cảm giác thèm ăn. Chất béo này cũng chịu nhiệt khá tốt nên ít sản sinh các độc chất gây hại cho sức khỏe của bạn trong quá trình nấu nướng.

Trong mỡ lợn chứa 40% chất béo bão hòa và 40% - 50% chất béo không bão hòa được coi là chất béo tốt. Ngoài ra, trong mỡ lợn cũng rất giàu vitamin A, vitamin B, vitamin D và các khoáng chất khác có lợi cho sức khỏe. Và sự thật là bộ não của con người 80% là lipid (chất béo động vật). Như vậy, nếu bộ não không có chất béo sẽ gây ra nhiều bệnh lý như: suy giảm trí nhớ, trí tuệ sa sút…

Mỡ lợn có phải là sát thủ sức khỏe? Chuyên gia phân tích lợi - hại và chỉ cách ăn đúng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Một số người cho rằng chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do làm tăng LDL cholesterol và một số yếu tố khác gây hại cho tim hoặc tăng nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có kết luận chính xác về ảnh hưởng của loại chất béo này đối với bệnh tim mạch.

Khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chất béo bão hòa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như liều lượng, tiền sử mắc bệnh mãn tính… Và trên thực tế, các vấn đề bệnh lý như béo phì, bệnh tim mạch chủ yếu lại có liên quan tới vấn đề rối loạn chuyển hoá. Một chế độ ăn thừa năng lượng cũng có thể khiến cơ thể chuyển hóa các năng lượng thừa về dạng lipid.

2. Có cần thay thế mỡ lợn bằng dầu thực vật?

Do mỡ lợn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh khiến nhiều người rơi vào cảnh hoang mang lo sợ, một số người còn kiêng hoàn toàn mỡ lợn và thay vào đó họ lựa chọn sử dụng các loại dầu thực vật.

Tuy nhiên, bác sĩ Quách Khải Dục, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quân đội, Trung Quốc khuyến cáo rằng, mọi người không nên ăn quá nhiều mỡ lợn nhưng cũng không cần kiêng hoàn toàn. Những người thực sự cần "kiêng" mỡ lợn là những người đã có sẵn bệnh lý như béo phì, người mắc bệnh tim mạch,...

Bác sĩ cho rằng, người dân vẫn có thể ăn xen kẽ giữa mỡ lợn và dầu thực vật để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Bởi vì, mặc dù các axit béo không bão hòa (chủ yếu chứa trong dầu mỡ thực vật) rất giàu axit béo thiết yếu, nhưng không có nghĩa là chỉ tiêu thụ chất béo thực vật chứ không dùng chất béo động vật.

Cả hai chất này đều không thể thiếu trong việc cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, nhưng lượng axit béo bão hòa nên hạn chế. Vì vậy, 2/3 lượng chất béo trong khẩu phần nên được cung cấp bởi chất béo thực vật và 1/3 nên được cung cấp bởi chất béo động vật.

Mỡ lợn có phải là sát thủ sức khỏe? Chuyên gia phân tích lợi - hại và chỉ cách ăn đúng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nên ăn xen kẽ cả mỡ lợn và dầu ăn.

Trong tài liệu "Hướng dẫn chế độ ăn uống của Trung Quốc" khuyến nghị rằng nên kiểm soát lượng dầu mỡ ăn hàng ngày ở mức 25-30 gram. Đối với người trưởng thành, tổng tỷ lệ cung cấp chất béo không được vượt quá 30% và tỷ lệ cung cấp chất béo bão hòa nên dưới 10%.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng chất béo không chỉ đến từ dầu ăn và mỡ lợn mà còn đến từ các loại thực phẩm khác mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, ví dụ như hôm nay bạn đã ăn quá nhiều thịt thì đừng ăn thêm thực phẩm chứa chất béo, đặc biệt là đồ ăn nhẹ có chứa chất béo bão hòa như bánh quy, khoai tây chiên hoặc các loại bánh nhiều trứng, đường khác.

Khi có tin đồn thực phẩm này không tốt cho sức khỏe, nhiều người sẽ có thói quen loại bỏ và bài trừ thực phẩm đó ra khỏi các bữa ăn. Tuy nhiên, để đánh giá một thực phẩm tốt hay xấu không hề đơn giản, điều quan trọng là phụ thuộc vào cách ăn và liều lượng ăn của mỗi người.

Vì vậy, dù là mỡ lợn hay dầu ăn mọi người cũng cần phải sử dụng điều độ hợp lý thì mới đem lại tác dụng tốt cho sức khỏe.

Nguồn: Toutiao

Mỡ lợn có phải là sát thủ sức khỏe? Chuyên gia phân tích lợi - hại và chỉ cách ăn đúng - Ảnh 4.
https://soha.vn/mo-lon-co-phai-la-sat-thu-suc-khoe-chuyen-gia-phan-tich-loi-hai-va-chi-cach-an-dung-20220316171834209.htm