Cuốn “Một số câu chuyện lịch sử từ góc nhìn báo chí” không chỉ là sự phản ánh chân thực về những sự kiện lịch sử, mà còn là một cơ hội để người đọc hiểu rõ hơn về quá trình biến đổi của đời sống chính trị - xã hội.
Cuốn sách này tập hợp các bài viết của tác giả Trần Đức Anh đăng trên các báo: Pháp luật Việt Nam, Nhân Dân, Công an Nhân dân, Tiền Phong, Khoa học và Phát triển,… Bằng việc khai thác tư liệu báo chí, cùng với con mắt sắc bén của một người làm báo, tác giả đã đưa độc giả vào một cuộc hành trình đào sâu vào những trang báo xưa, khảo cứu những câu chuyện đầy sinh động và hấp dẫn. Để chúng ta thấy những trang báo xưa không chỉ là nguồn thông tin về các sự kiện lớn trong lịch sử, mà còn là những bức tranh sống động về cuộc sống hàng ngày.
Tác giả không đơn giản là ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng, mà quan trọng hơn là cung cấp cho người đọc một góc nhìn về vai trò của báo chí trong việc hình thành ý thức lịch sử của một cộng đồng. Tốt nghiệp và tiếp tục nghiên cứu song song hai chuyên ngành báo chí và lịch sử, nhà báo Trần Đức Anh đã mang đến cho người đọc một cuộc đối thoại sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại thông qua cuốn sách.
Theo nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng (Phó Trưởng ban Thời Nay, báo Nhân Dân): “Quảng cáo rượu, bán bánh chưng, cổ vũ việc đọc sách, khích lệ cải cách trang phục, tìm về lịch sử loại dép cao su thông dụng một thời, động viên toàn dân tiêm chủng phòng dịch, kêu gọi lòng tương thân tương ái giữa đồng bào bắc-trung-nam khi gặp thiên tai, dịch bệnh…, những chuyện tiêu dùng, sinh hoạt đời thường như thế của người dân ta xưa hiện lên thật sinh động qua các trang báo cũ. Cả những niềm vui lớn hưởng ứng, tỏa lan từ các sự kiện long trời lở đất khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dân ta vùng lên thoát đời nô lệ, cũng được những trang báo - trang sử đương thời truyền tải kịp thời, sôi nổi, hết sức phong phú".
Có thể thấy rằng, tác giả cuốn sách - Trần Đức Anh đã “làm thay”, “làm giúp” cho rất nhiều người trong việc tìm, đọc những trang báo xưa và kỳ công chắt lọc những nội dung sinh động, cuốn hút mà các ký giả thế hệ trước từng truyền tải, để gửi đến bạn đọc hôm nay, qua thái độ trân trọng và cái nhìn so sánh, liên hệ với thực tại, cùng những bình luận xúc tích nhưng không ghìm được sự cảm động, quý mến ẩn chứa trong đó.
Còn theo nhà báo Ngô Khiêm (báo Công an Nhân dân) đánh giá “việc nghiên cứu lịch sử báo chí luôn là một vấn đề khó, phức tạp, cần quá trình lao động nghiêm túc, cần cù, chịu khó và điều đó đã được tác giả “hóa giải” một cách uyển chuyển, tinh tế.
Từng tốt nghiệp hai chuyên ngành báo chí và lịch sử, có thể nói đây là sản phẩm của sự “giao thoa” kiến thức, niềm đam mê của nhà báo Trần Đức Anh. Lật mở từng trang của cuốn sách, chúng ta thấy được cuộc sống muôn màu, muôn sắc của ông cha ta thời xưa và tự người đọc sẽ có những liên tưởng, có những so sánh, đối chiếu với cuộc sống hôm nay.
Cuộc sống hôm nay dù có đổi khác, có tân tiến, hiện đại nhưng tập tục xưa, những giá trị tốt đẹp vẫn được nâng niu, trân trọng. Với sứ mệnh và trách nhiệm của mình, nhà báo Trần Đức Anh đã “khơi lại” để bạn đọc cùng nghiền ngẫm, cùng hướng về tổ tiên, cùng trân trọng cuộc sống đã qua và có thêm “hành trang” để sống trong cuộc sống hôm nay và mai sau”.
Trân trọng lao động “khổ công” của tác giả Trần Đức Anh, bạn đọc và đồng nghiệp lại càng thêm thú vị và được gợi mở khi cuốn sách ban đầu này của tác giả khơi lên trong chúng ta những tò mò, nhu cầu hiểu biết về muôn mặt đời sống trong xã hội trước kia được phản ánh qua các trang báo. Cùng với đó còn là niềm hứng thú được tìm đọc, hiểu biết nhiều hơn về việc làm báo xưa kia. Từ đó ngẫm nghĩ về công việc của chúng ta hôm nay, ở cả khía cạnh nghề nghiệp, văn hóa, đạo đức trong viết báo, làm báo.
Kim Thoa