Cần lưu ý gì, cách chọn lựa thực phẩm ra sao khi chuẩn bị cho những ngày giáp Tết, tiệc tùng nhiều? Người dân cần làm gì để tìm được
Mua món ăn 'nhà làm' dịp Tết, cần lưu ý gì?
Gần đây, trào lưu tìm mua và dùng món ăn "nhà làm" tăng cao. Đón Tết bằng các món ăn gắn nhãn "nhà làm" hay mua hàng chợ đều cần phải hợp vệ sinh.
Thực phẩm “nhà làm” rất cần đảm bảo vệ sinh
Cách nào chọn thực phẩm an toàn?
Chị T.T. (31 tuổi, TP.HCM) đơn giản cho biết: "Tôi chọn sản phẩm an toàn như giò lụa, đồ khô là những hàng quán quen mặt ở chợ, đã mua quen từ nhiều năm, mua bán chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau. Một số mặt hàng đồ khô, mứt tôi đặt trên mạng nhưng cũng hên xui, có hôm nhận hàng về mứt đã mốc".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết dịp Tết là thời điểm nhiều loại thực phẩm "nhà làm" được sản xuất ra thị trường. Nhiều người đã làm bán quanh năm, nhưng dịp Tết sẽ tăng số lượng lên hoặc chỉ làm bán vào dịp Tết. Do nhà nhà, người người đều tham gia sản xuất bán hàng dẫn đến cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm định an toàn chất lượng.
Về mặt nguyên tắc, chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ những loại thực phẩm nhà làm, không có nhãn mác là không an toàn. Đa số những sản phẩm "nhà làm" chủ yếu được mua bán dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau hoặc quen biết, đã từng sử dụng sản phẩm của cơ sở đó.
"Việc tìm mua sản phẩm "nhà làm" là khó tránh khỏi. Người tiêu dùng nên cảnh giác khi cảm thấy thực phẩm có dấu hiệu bất thường. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc khi mua nên lựa chọn những người quen biết, chất lượng tốt", PGS Thịnh cho hay.
Ông Thịnh nhận định mạng xã hội hiện nay cũng là phương thức để trao đổi hàng hóa, tuy nhiên đây là cách nhiều sản phẩm kém chất lượng được tuồn ra thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trường hợp lên mạng xã hội, nghe quảng cáo mua thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi không rõ nơi sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm. Do vậy đối với thực phẩm cần hạn chế việc mua bán trực tuyến, vì không có gì là đảm bảo, nếu mua phải là sản phẩm nhãn mác rõ ràng.
Ông Thịnh khuyến cáo cơ quan chức năng cần phải nâng cao ý thức cho người dân, trong đó có cả người mua và người bán, tạo các cuộc vận động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết sắp tới. Đồng thời, khu vực chợ buôn bán cần phải được vệ sinh sạch sẽ, giáo dục cộng đồng. Bản thân người bán phải ý thức được việc bảo vệ thương hiệu, đảm bảo làm ăn lâu dài của mình.
11 đoàn kiểm tra
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đơn vị đã lập 11 đoàn kiểm tra, tập trung vào khâu sản xuất, đặc biệt là những kho hàng, những nguyên liệu tập kết để chuẩn bị cho sản xuất. Từ nay đến Tết, đơn vị sẽ tập trung nhiều hơn ở các khâu phân phối, từ các chợ đầu mối đến chợ truyền thống, các siêu thị.
Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn mác, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm, qua đó sớm phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi theo quy định của pháp luật.
Phát hiện cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm cận Tết
Ngày 22-1, Đội quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) cho biết đã phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh ở TP.HCM không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cụ thể, khi kiểm tra hộ kinh doanh T.L. trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), phát hiện 230kg mứt gừng dẻo không ghi xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn mác, không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có hồ sơ chất lượng hàng hóa.
Tại quận Phú Nhuận, phát hiện hộ kinh doanh G.H. trên đường Trương Quốc Dung đang kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn (ngũ cốc, táo khô, hạt điều, hạt óc chó), chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Đội quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định.
Vì sao "hàng nhà làm" hấp dẫn dịp Tết?
"Nay em lên đơn kiệu Tết nha mọi người! Hàng mới thì mọi người để ngoài tầm vài ngày là ăn được" hay "Nhà em chuẩn bị làm bắp bò ngâm mắm, em gom một mẻ thứ 5 này, cả nhà đăng ký để kịp ăn Tết nhé"… Những lời rao hàng Tết "nhà làm" xôm tụ trên các nền tảng xã hội, diễn đàn… những ngày cận Tết.
Dù các sản phẩm "nhà làm" gần như không có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng thị phần thực phẩm Tết của mảng này luôn sôi động và luôn nhận được nhiều người hưởng ứng.
Thực phẩm "nhà làm" dễ dàng được nhận diện với những tên phổ biến như "Bếp's bà A", "Homemade's B"… Người mua chủ yếu tin vào lời rao là những "cam kết" về chất lượng của người bán như hàng làm thủ công 100%, hàng không chất bảo quản, không phụ gia… "Các bác sẽ không bị phụ lòng vì chất lượng" hay hàng được chế biến từ nguyên liệu tuyển, cam kết vừa làm cho gia đình ăn tiện thể nhận thêm đơn…
Theo những người đặt mua hàng nhà làm, họ chọn theo niềm tin bạn bè, người thân giới thiệu, một số thì mua từ người quen. Các sản phẩm home made có thế mạnh là mang được hương vị riêng của từng người làm nên hợp khẩu vị và nhiều người chọn mua làm quà để tạo sự khác biệt. Những người mua cũng đưa ra quyết định dựa trên hình ảnh đăng của người bán về quy trình sản xuất…
Chị Hoàng Anh (TP.HCM) - một người bán các món bánh làm từ hạt trong dịp Tết năm nay - cho biết công việc ở văn phòng bị cắt giảm nên chị tranh thủ bán thêm bánh hạt, tốt cho sức khỏe trong dịp Tết.
"Ban đầu tôi làm để ăn và mời bạn bè, sau được khen ngon và nhiều người đặt hàng thì "nghề tay trái" này trở thành nguồn thu nhập chính trong những tháng cuối năm. Năm nay tôi làm gần 100 hộp bánh các loại", Hoàng Anh cho biết.
Theo Hoàng Anh, khách đặt các món ăn "nhà làm" trước tiên phải có niềm tin vào người nấu, sau đó mới nghĩ đến các giá trị khác như giá tốt, vị ngon… Tuy nhiên, những năm gần đây khách hàng doanh nghiệp khi đặt hàng "nhà làm" cũng yêu cầu các đơn vị phải hoàn thiện thủ tục chứng nhận chất lượng.