PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết bên cạnh nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do nhiễm hóa chất, chất bảo quản, ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn thức ăn rất hay gặp phải trong mùa hè.
Nắng nóng và độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút sinh sôi, phát triển, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu không cẩn thận trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm.
Trời nắng nóng, độ ẩm cao khiến các vi khuẩn như Salmonella, E.coli, Listeria, Staphylococcus... có thể xâm nhập vào thực phẩm từ quá trình sản xuất, chế biến đến bảo quản.
Thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn
Theo bác sĩ Ninh, một số loại thực phẩm đặc biệt dễ bị nhiễm khuẩn như:
- Thịt, hải sản: Do hàm lượng protein cao, nếu không được sơ chế đúng cách, chế biến đảm bảo vệ sinh, bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
- Rau sống: Rau sống có thể nhiễm khuẩn từ đất, nước tưới, hoặc trong quá trình vận chuyển và chế biến.
- Trứng: Trứng sống hoặc trứng lòng đào có thể chứa vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc. Bên cạnh đó, vi khuẩn từ vỏ trứng cũng có thể xâm nhập ra bên ngoài, làm ô nhiễm các thực phẩm, dụng cụ chế biến khác và gây ngộ độc cho người sử dụng.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Các món ăn như giò chả, nem chua, salad, thịt nguội, thịt quay, bánh mì kẹp... nếu không được chế biến và bảo quản đúng cách cũng dễ bị nhiễm khuẩn.
Sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn 1 vài giờ đến 24 giờ, có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Buồn nôn và nôn: Cảm giác khó chịu ở dạ dày và nôn mửa.
- Đau bụng: Đau quặn bụng, có thể kèm theo cảm giác đầy hơi.
- Tiêu chảy: Đi ngoài phân lỏng hoặc nước nhiều lần trong ngày.
- Sốt: Cơ thể tăng nhiệt độ để chống lại nhiễm trùng.
- Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi: do mất nước và mất cân bằng điện giải vì nôn, tiêu chảy.
Trong trường hợp nặng, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến:
- Mất nước nghiêm trọng: Gây suy kiệt, thậm chí tử vong.
- Rối loạn thần kinh: Co giật, hôn mê.
- Viêm khớp phản ứng: Đau và sưng khớp.
- Hội chứng tăng ure huyết tán: Suy thận cấp.
Làm gì để nhanh hồi phục nếu ngộ độc thực phẩm?
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Minh - trưởng khoa nội tổng quát, Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo, việc bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng khi bị ngộ độc thực phẩm sẽ khiến cơ thể mất nước. Vì vậy, người bệnh cần uống từng ngụm nước nhỏ ngay khi có thể.
Bên cạnh đó có thể sử dụng dung dịch bù nước đường uống, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và người có bệnh nền.
Ngoài ra nước ép trái cây pha loãng, đồ uống thể thao và các loại nước canh, nước hầm thịt hoặc rau củ cũng có thể dùng để bổ sung chất lỏng cho người bị ngộ độc thực phẩm.
Sau khi đã có thể ăn uống trở lại, nên cho người bệnh ăn những thức ăn dễ tiêu hóa. Tránh ăn các loại thức ăn giàu chất béo vì chúng sẽ làm gia tăng áp lực "làm việc" cho dạ dày.
Có thể tận dụng một số loại thảo dược có sẵn trong nhà để làm giảm các triệu chứng khó chịu do ngộ độc thức ăn như:
- Trà gừng: Uống một cốc trà gừng hoặc ngậm một lát gừng tươi trong miệng có thể làm dịu dạ dày và cải thiện các triệu chứng khó chịu do ngộ độc thực phẩm.
- Húng quế: Uống một cốc nước ép từ húng quế, thêm một chút mật ong có thể giúp làm giảm cảm giác đau quặn bụng.
- Hạt thì là: Hạt thì là có đặc tính kháng khuẩn. Vì vậy, có thể pha một ít hạt này với nước ấm, thêm một chút muối và uống mỗi ngày 2 lần.
- Giấm táo: Có thể uống một chút giấm táo pha với nước ấm. Thức uống này có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và làm dịu các cơn đau.
- Nước chanh ấm: Nước chanh pha cùng với nước ấm, uống nhiều lần trong ngày giúp làm sạch dạ dày và giảm viêm.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh không nên uống một số loại thức uống như: thức uống có cồn như rượu, bia; cà phê, trà hoặc các loại thức uống chứa caffeine; sữa và các chế phẩm từ sữa.
Ngoài ra không nên uống bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định. Trong trường hợp ngộ độc không được kiểm soát, cần nhanh chóng đến bệnh viện để kịp thời cấp cứu.
Theo các bác sĩ, mặc dù không thể phòng ngừa ngộ độc thực phẩm hoàn toàn nhưng bạn có thể áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc.
Rửa tay sau khi thay tã cho trẻ em, hắt hơi, chạm vào động vật, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
Không uống sữa chưa tiệt trùng.
Rửa sạch trái cây, rau củ quả trước khi ăn.
Đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh đúng với hướng dẫn sử dụng, vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.
Luôn đảm bảo nấu chín thức ăn.
Giữ dao và thớt sạch sẽ.
Chú ý mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm tươi mới, nông sản sạch.
Không ăn thực phẩm đã hết hạn hoặc không được bảo quản đúng cách.