Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho rằng, trong kỷ nguyên số, hầu hết hoạt động của con người được chuyển lên môi trường mạng, từ đó tạo ra thách thức rất lớn cho những người chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng.
Thống kê mới đây cho thấy, chỉ riêng trong tháng 8/2022, trên thế giới đã ghi nhận 112 vụ việc mất an toàn thông tin mới được tiết lộ công khai với hơn 97,4 triệu hồ sơ bị vi phạm, trong đó có không ít vụ việc xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, điển hình như Công ty tiền điện tử Nomad (Mỹ) cho biết đã bị thiệt hại hơn 190 triệu USD sau 1 vụ tấn công khai thác điểm yếu đánh cắp tiền mã hóa.
Tại Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận và hướng dẫn xử lý 9.519 cuộc tấn công mạng; ngăn chặn 926 website lừa đảo, trong đó có nhiều trang giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin cũng ghi nhận gần 4.000 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam thông tin tới hệ thống cảnh báo. Qua kiểm tra, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, công ty tài chính…
“Tình hình an toàn thông tin trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang diễn ra ngày càng phức tạp, tuy nhiên hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có cả các ngân hàng và tổ chức tài chính chưa quan tâm, triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin để giảm thiểu rủi ro”, ông Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, đại diện Cục An toàn thông tin đề nghị người đứng đầu các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức tài chính sớm nhận thức rõ các nguy cơ, rủi ro mất an toàn thông tin tiềm ẩn trên không gian mạng và khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của đơn vị mình.