Nhật Bản là quốc gia có nhiều người sống thọ bậc nhất thế giới. Ngoài những lối sống lành mạnh, bí quyết sống thọ của họ lại đến từ chính những món ăn mà họ ăn hàng ngày. Một trong số đó, không thể không kể đến đó là súp Miso, một món ăn không bao giờ thiếu trong bữa sáng của người dân xứ sở mặt trời mọc.
Miso có nghĩa là đậu nành lên men. Đây là một gia vị truyền thống trong ẩm thực Nhật Bản và Trung Quốc. Miso được dùng trong nhiều món ăn từ súp, nước xốt salad, món hầm,…
Có nhiều loại Miso khác nhau, tùy thuộc vào thời gian lên men của đậu nành và tỷ lệ các nguyên liệu làm nên loại gia vị này.
Miso trắng (shiro)
Được làm từ đậu nành và gạo và lên men không quá 2 tháng. Shiro có màu nhạt và có vị từ ngọt đến hơi mặn. Shiro thường được dùng để tăng hương vị cho nước sốt salad hoặc rau củ chiên.
Miso vàng (shinsu)
Miso vàng được lên men lâu hơn Miso trắng một chút. Miso vàng được dùng trong nhiều công thức nấu ăn khác nhau.
Có nhiều loại Miso khác nhau. Ảnh minh họa.
Miso đỏ (aka)
Miso đỏ có tỷ lệ đậu nành cao hơn, lên men trong 3 năm, có vị mặn hơn và đậm hơn.
Miso lúa mạch (mugi)
Miso lúa mạch được làm từ lúa mạch và đậu nành, có quá trình lên men lâu hơn hầu hết các loại miso khác và có hương thơm đậm đà của lúa mạch.
Lợi ích dinh dưỡng
1 muỗng canh (15g) miso cung cấp:
• 30kcal
• 2,0g protein
• 0,9g chất béo
• 3,5g carbohydrate
• 0,63mg sắt
• 0,49 mg kẽm
• 5mcg folate (B9)
• 1,37g muối
5 lợi ích sức khỏe hàng đầu của Miso
1. Hỗ trợ sức khỏe đường ruột
Súp Miso có nhiều lợi khuẩn tốt cho đường ruột. Ảnh minh họa.
Miso chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi trong quá trình lên men. Những vi khuẩn này được cho là có thể mang lại hàng loạt lợi ích sức khỏe đối với hệ tiêu hóa.
Bằng cách kết hợp nhiều loại thực phẩm lên men trong chế độ ăn uống, bạn có thể tăng cường lượng vi khuẩn có lợi và enzym trong ruột, từ đó có thể cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột cũng như chức năng của hệ tiêu hóa. Khi mua miso, hãy chọn sản phẩm chưa qua tiệt trùng, còn sống, giàu enzyme và hãy bảo quản Miso trong tủ lạnh sau khi đã bóc bao bì sản phẩm.
2. Cung cấp nhiều vitamin có lợi
Các nghiên cứu vào năm 1997 và 2013 đã chỉ ra rằng những vi khuẩn có lợi trong Miso sản xuất ra vitamin (chủ yếu là vitamin K và B12) trong quá trình trao đổi chất của chúng. Do đó, tiêu thụ thực phẩm lên men như Miso không chỉ giúp cân bằng vi khuẩn có lợi trong đường ruột mà còn gián tiếp cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
Quá trình lên men cũng làm giảm độc tố và chất kháng dinh dưỡng, chẳng hạn như axit phytic trong đậu nành – nguyên liệu chính của Miso.
3. Có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư
Bông cải nướng Miso, một món ăn ngon miệng. Ảnh minh họa.
Ăn Miso thường xuyên được cho là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh. Điều này được cho là nhờ vào hàm lượng isoflavone của loại gia vị này.
Miso cũng là một nguồn cung cấp nhiều chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ việc phòng chống phát triển các tế bào ung thư. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ và xác nhận những lợi ích này.
4. Hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch
Miso là một nguồn giàu vi khuẩn có lợi, do đó có thể hỗ trợ chức năng miễn dịch và giúp chống lại nhiễm trùng. Thường xuyên tiêu thụ nhiều loại thực phẩm lên men như Miso có thể giảm thiểu nhu cầu điều trị kháng sinh do nhiễm trùng. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá lợi ích của các chủng vi khuẩn khác nhau, bao gồm cả những chủng vi khuẩn phổ biến nhất có trong Miso đối với việc chống lại nhiễm trùng.
5. Có thể hỗ trợ sức khỏe não bộ
Miso giàu vitamin B, tốt cho não bộ. Ảnh minh họa.
Miso chứa một loạt các vitamin B bao gồm vitamin B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (axit pantothenic) và B9 (folate). Các loại vitamin B3, B5 và B9 có tác dụng hỗ trợ chức năng của hệ thần kinh.
Các vitamin B cần thiết cho quá trình sản xuất năng lượng và tham gia vào các phản ứng phân hủy thức ăn thành dạng năng lượng có thể sử dụng được cho cơ thể.
Các vitamin B có thể hòa tan trong nước, nghĩa là chúng không được lưu trữ trong cơ thể như các vitamin tan trong chất béo. Do đó, điều quan trọng là phải bổ sung đầy đủ và thường xuyên nhóm vitamin này.
Những lưu ý khi sử dụng Miso
Nguyên liệu nấu súp Miso cực đơn giản. Ảnh minh họa.
Miso thường an toàn đối với tất cả mọi người; tuy nhiên, nếu bạn theo chế độ ăn ít muối (natri), bạn có thể hạn chế ăn vì Miso có hàm lượng muối khá cao.
Những người có vấn đề về tuyến giáp cũng nên hạn chế sử dụng Miso.
Một số người bị dị ứng với protein đậu nành cũng nên tránh ăn Miso. Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu như warfarin, bạn cũng không nên sử dụng quá nhiều loại thực phẩm này.
(Nguồn: BBC Good Food, Well And Good)
https://soha.vn/nguoi-nhat-rat-cham-an-mon-sup-nay-vao-moi-sang-nau-cuc-nhanh-la-bi-quyet-song-tho-20220315095447356.htm