Bác sĩ Trương Trọng Hoàng - Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết tình trạng nhiều người thường đỏ mặt khi uống rượu bia hay gặp ở khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam. Sở dĩ có tình trạng uống rượu bia đỏ mặt là do cơ thể thiếu một loại enzyme.
Cụ thể khi rượu, bia đi vào cơ thể được xử lý tại gan qua 2 công đoạn, đầu tiên nó được chuyển hóa thành acetaldehyde - một loại chất có hại cho cơ thể.
Lúc này enzyme alcohol dehydrogenase phân giải acetaldehyde thành axit axetic một chất vô hại.
Nếu cơ thể không thiếu loại enzyme trên thì khi uống rượu bia liều lượng vừa phải sẽ không bị đỏ mặt. Ngược lại, nếu vì lý do di truyền hay lý do nào đó dẫn đến thiếu, chất acetaldehyde tích tụ trong cơ thể dẫn đến đỏ mặt.
Việc này có thể xảy ra ngay cả người đó uống ít hay nhiều rượu, bia.
Theo nhiều nghiên cứu, tình trạng đỏ mặt sau khi uống rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp, đây là nguồn gốc dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh về bệnh tim, đột quỵ sau này.
“Ai có hiện tượng này là yếu tố cảnh báo để khám sức khỏe định kỳ thường xuyên nhằm phát hiện tăng huyết áp.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác còn cho thấy uống rượu đỏ mặt có thể liên quan đến ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa, ung thư thực quản ở nam giới. Do vậy, tốt nhất là hạn chế uống rượu, bia nhiều nhất có thể”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm một số loại thuốc khi uống vào làm giảm tình trạng đỏ mặt, nhưng điều đó không có nghĩa là cơ thể không bị tác hại.
Bởi vì thực tế những loại thuốc này chỉ tác động các mạch máu ở vùng mặt, còn chất acetaldehyde vẫn tồn tại trong cơ thể, do vậy không dựa vào thuốc để uống rượu, bia thoải mái.
Mặt khác, nếu một người thấy không đỏ mặt lại chủ quan uống nhiều rượu hơn, lúc này acetaldehyde sẽ tích tụ nhiều hơn nguy cơ tăng huyết áp, các loại ung thư sẽ gia tăng đáng kể.
"Bản thân rượu, bia đã có hại cho sức khỏe nếu vượt quá liều lượng cho phép. Càng hạn chế uống rượu, bia được chừng nào sẽ tốt cho sức khỏe được từng ấy", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Uống rượu, bia như thế nào cho đúng?
TS Võ Hồng Minh Công - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - cho biết nếu uống đúng liều chuẩn thì rượu bia sẽ tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa và tim mạch.
Cụ thể, liều lượng chuẩn với sức khỏe chỉ nên uống 1 lon bia 330ml/ngày, rượu vang 150ml/ngày, rượu mạnh 50ml/ngày.
Tuy nhiên, các "bợm nhậu", thậm chí cả người đi ăn uống, liên hoan bình thường rất ít hoặc không ai uống theo liều chuẩn.
Họ uống rất nhiều, vượt qua nhiều lần liều chuẩn. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, cơ quan nội tạng dạ dày, ruột, gan và thần kinh.