Thống kê của Bộ Y tế cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.
Tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm 75% tổng số tử vong), trong đó có khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
Một ca phẫu thuật tim mạch cho người bệnh tại cơ sở y tế. Ảnh: Ngô Hùng
Theo PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, "đại dịch" các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó có bệnh lý tim mạch.
Bệnh tim mạch đang trẻ hóa. Đáng lưu ý các ca tử vong tim mạch lại chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dấu hiệu bệnh tim mạch thường xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng, khiến người bệnh không để ý cho đến khi có các dấu hiệu nặng
Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất.
Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ tăng huyết áp cao, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Về nguyên nhân khiến số ca tim mạch ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, nguy cơ hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, từ đó dẫn đến các bệnh tim mạch. Ngoài ra, lối sống công nghiệp, ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng góp phần khiến số ca mắc mới tăng.
Theo PGS Hùng, trong bối cảnh bệnh tim mạch đang để lại gánh nặng lớn, đòi hỏi các bác sĩ luôn phải tiếp cận với các phương pháp mới để tối ưu hóa chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.
Tại Việt Nam, những năm qua, hầu hết các bệnh lý tim mạch phức tạp đã có thể được chẩn đoán và điều trị trong nước một cách kịp thời, hiệu quả.
Chuyên gia quốc tế đến Việt Nam cập nhập chuyên môn về tim mạch
Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC 2023) lần thứ 27 diễn ra từ ngày 2 đến 5-11, tại Hà Nội với chủ đề: "Giao thoa tim mạch: Thách thức và cơ hội", với sự tham gia của 2.000 đại biểu trong và ngoài nước. Đặc biệt, có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu với vai trò diễn giả khách mời đến từ nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực ASEAN. Ngoài những chủ đề khoa học thường quy, sự kiện sẽ có các phiên đào tạo của các chuyên gia đến từ Hội Tim mạch Can thiệp Mỹ, Hội Tim mạch Châu Âu...
Sự kiện là cơ hội cho các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực trao đổi, cập nhật và bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn về tim mạch, nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh