Các trường hợp nhập viện hầu hết đều có triệu chứng như: Bầm tím, sưng nề vùng da do bị rắn cắn; trong đó có nhiều trường hợp biến chứng nặng. Mới đây, chị N, 18 tuổi, sinh sống ở huyện biên giới Lạng Sơn bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào gót bàn chân trái, sau đó bầm tím, sưng nề lan rộng tới cẳng chân, đùi, khiến bệnh nhân đi lại khó khăn, rối loạn đông máu nặng phải truyền máu cấp cứu.
Bệnh nhân khác là một cụ bà 78 tuổi sinh sống ở gần đồi rừng bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón 4 bàn tay phải, vị trí vết cắn bị hoại tử, bầm tím, sưng tấy lan rộng tới cẳng, cánh tay, nguy hiểm đến tính mạng. Theo các nạn nhân, họ thường bị rắn độc bò vào nhà rồi tấn công cắn người.
Một nạn nhân bị rắn độc cắn vào tay. Ảnh: TL
Theo cảnh báo của Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn, hiện nay ở xứ Lạng thời tiết nồm, ẩm là điều kiện lý tưởng để các loài rắn sinh sôi, phát triển, đặc biệt là các loại rắn độc. Đồng bào các dân tộc ở địa phương sinh sống ở miền núi, diện tích đồi rừng lớn là nơi loài rắn có điều kiện phát triển. Đặc biệt, thời điểm này là giai đoạn sinh sản của rắn nên chúng thường tìm nơi kín đáo, khô thoáng để sinh sản. Khi rắn mang bầu thì nọc độc cao hơn bình thường.
Nạn nhân bị rắn cắn có thể gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau có thể đông máu, hoại tử, tiêu cơ, suy thận cấp. Nếu không được đưa đến các cơ sở y tế, điều trị, cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.