Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Ninh Bình được bắt đầu tổ chức tiêm thí điểm cho học sinh lớp 6, trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Ninh Bình.
Tại điểm tiêm này, có 163/385 học sinh đủ điều kiện tiêm chủng. Công tác tiêm chủng cho học sinh trước đó được ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục và các lực lượng tổ chức đảm bảo, quy trình tiêm chủng một chiều, khép kín theo quy định.
Công tác tổ chức tiêm được đảm bảo các điều kiện về chuyên môn. Cụ thể, khu vực kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng, phòng theo dõi sau tiêm, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý sự cố sau tiêm nếu có. Học sinh sau khi tiêm được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút, được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và theo dõi tại nhà.
Được biết, đợt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tỉnh Ninh Bình được phân bổ 9.700 liều vaccine Moderna (liều lượng 0,25ml/trẻ), triển khai tiêm cho đối tượng học sinh thuộc cấp THCS (học sinh lớp 6 dưới 12 tuổi và trẻ ngoài cộng đồng).
Trong trường hợp còn dư vaccine, UBND các huyện, thành phố sẽ tổ chức tiêm cho các đối tượng thuộc lứa tuổi thấp hơn (học sinh lớp 5) theo quy định của Bộ Y tế. Việc tiêm chủng được triển khai theo thứ tự lứa tuổi giảm dần bắt đầu từ học sinh lớp 6, không mắc Covid-19 hoặc mắc Covid-19 và đã khỏi trên 3 tháng.
Theo thống kê, tại Ninh Bình có hơn 126 nghìn trẻ thuộc diện tiêm chủng trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong số đó, tổng số học sinh khối lớp 6 (dưới 12 tuổi) là 10.981 em, gồm 8.645 đối tượng cần tiêm và 2.336 đối tượng đã mắc Covid-19.
Trong ngày đầu tiên thực hiện tiêm chủng thí điểm cho trẻ em, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lãnh đạo thành phố Ninh Bình đã đến động viên, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn quy trình tiêm chủng, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình thực hiện tiêm vaccine.
Trao đổi với PV , lãnh đạo ngành y tế Ninh Bình cho biết, sau khi tiêm chủng chưa ghi nhận học sinh nào xảy ra phản ứng nặng sau tiêm. Sở Y tế Ninh Bình yêu cầu đơn vị y tế phân công cán bộ trực 24/7 để tiếp nhận thông tin phản ứng sau tiêm và hướng dẫn, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.