Danh ca Phương Dung sinh năm 1946 tại Gò Công (Tiền Giang). Theo lời kể của Phương Dung thì từ nhỏ, bà đã mê ca nhạc và thích tập hát theo những ca khúc phát trên radio. Khi còn là nữ sinh, Phương Dung đã tham gia các chương trình văn nghệ và gây được sự chú ý của nhiều người.
Phương Dung chính thức đi hát gần như chuyên nghiệp từ năm 13 tuổi khi đang học lớp Đệ Thất. Bà từ Gò Công lên Sài Gòn tham gia cuộc thi tuyển chọn ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn. Dù không đoạt giải cao nhưng sau đó, Phương Dung được giới thiệu đi hát tại một số tụ điểm ca nhạc.
Lần đầu tiên, bà được mời thu âm là cuối năm 1961 khi còn là một nữ sinh 15 tuổi. Ca khúc bà thu âm mang tên Đường về khuya của nhạc sĩ Minh Kỳ - Lê Dinh.
Tiếp đó, ca khúc Nỗi buồn gác trọ phát hành năm 1962 đã đưa tên tuổi Phương Dung đến gần với công chúng. Từ đó, nhiều nhạc sĩ chọn bà để giới thiệu ca khúc mới của mình, các hãng đĩa cũng tìm đến bà mời thu âm.
Năm 1964, ca khúc Những đồi hoa sim mà Phương Dung thu âm cho hãng đĩa Sóng Nhạc được tung ra thị trường đạt doanh số bán kỷ lục, đưa tên tuổi của bà thành một trong những nữ ca sĩ ăn khách nhất lúc bấy giờ.
Một năm sau, với ca khúc Tạ từ trong đêm, Phương Dung được trao huy chương Vàng dành cho nữ ca sĩ xuất sắc và ăn khách nhất năm 1965.
Không chỉ hát hay những bài bolero sở trường, danh ca Phương Dung còn có thể hát được nhạc dân ca, tân cổ giao duyên. Cách hát của bà thiên về lối kể chuyện và nói trong hát, rất khác biệt…
Năm 1974, thi sĩ Hà Huy Hà đã dành tặng cho Phương Dung biệt danh "Nhạn trắng Gò Công", gắn liền với những hình ảnh về quê hương bà. Cái tên này được nhiều thế hệ khán giả ghi nhớ cho tới hiện tại.
Nói về thu nhập, có thời điểm thu nhập từ phòng trà, thu âm, chạy show mỗi tháng của danh ca Phương Dung lên đến 200 cây vàng, giúp bà nuôi cả gia đình, phụ giúp dòng họ.
Danh ca Phương Dung lập gia đình với một thương gia gốc Việt. Bà và chồng quen nhau trong một lần gặp gỡ tại Bangkok, Thái Lan năm 1966.
Tuy họ yêu nhau say đắm, nhưng mẹ Phương Dung lại không thích người đàn ông này. Bà kể lại, có thời điểm, do sự ngăn cấm của mẹ, hai người không được gặp dù ở cùng một thành phố.
"Trải qua hai năm đó, tôi rơi nước mắt khi nghe bài hát "Ở hai đầu nỗi nhớ" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Những ngày không gặp nhau rất dài, tôi đếm từng ngày, từng giờ, mường tượng nụ cười, tiếng nói của người ấy. Một lần đi hát ở Quy Nhơn, tôi vào một tu viện xin đi tu nhưng bị từ chối. Sau đó, ba tôi nói nếu mẹ tôi vẫn không đồng ý thì ông sẽ đứng ra gả chồng cho tôi", danh ca Phương Dung chia sẻ.
Kết hôn ở thời điểm đang ở đỉnh cao sự nghiệp, danh ca Phương Dung chọn rời xa sân khấu, bỏ hát hơn 16 năm để lui về làm tròn bổn phận làm mẹ, làm vợ: "Mỗi khi truyền hình, radio phát nhạc, tôi xúc động nhớ lại những đêm đi hát với mẹ. Tôi nhìn lên sân khấu thấy bạn bè hát những bài hát mình từng hát, nhìn rạp sáng đèn cùng băng rôn, tôi nhớ lại những ngày đứng trên sân khấu", bà chia sẻ.
Năm 1977, bà cùng chồng và 8 người con sang nước ngoài định cư. Khi con cái lớn, bà thỉnh thoảng trở lại các hoạt động nghệ thuật ở hải ngoại cũng như trong nước.
Với Phương Dung, nỗi nhớ của những ngày thanh xuân chỉ xoay quanh khuôn mặt, giọng nói, nụ cười của người yêu còn nỗi nhớ tuổi xế chiều, sau 55 năm hôn nhân là những ngày tháng nhớ nhung người chồng quá cố: “Mỗi sáng, ông dậy sớm, pha ấm trà, ly cà phê và gọi tôi dậy ăn sáng.
Trước sân nhà có trồng hoa hồng, ông ấy gọi tôi ra xem mỗi khi hoa nở. Những hình ảnh đó tôi không tìm lại được. Dù ông đã mất 3 năm nhưng cứ đến sinh nhật ông ngày 5/7, tôi và các con đều họp mặt, ăn bánh kem để nhớ về bố”, Phương Dung bật khóc chia sẻ.
Năm 2014, bà trở về quê hương và được mời làm giám khảo của hàng loạt các cuộc thi hát.
Hiện tại, ở tuổi gần 80, nữ danh ca vẫn hoạt động thiện nguyện và đứng trên sân khấu khi có thể.
Hương Giang (t/h theo Dân Việt, Lao Động)