Phố trong ca từ Trịnh Công Sơn

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cả một đời gắn với những con phố, ông cũng dựa vào những con phố để trải lòng mình.

Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX từ ca khúc, Trịnh Công Sơn là một trong những tên tuổi lớn và tiêu biểu nhất, là nhạc sĩ hiếm hoi của Việt Nam có tên trong Từ điển Bách khoa Pháp Les Million. Các ca khúc của ông, ngoài vẻ đẹp của giai điệu, còn được đánh giá rất cao ở chất thơ và sự gợi cảm của ca từ. Nhân kỷ niệm 21 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, chúng tôi muốn bàn về một miền không gian thật đặc biệt, trở đi trở lại trong hàng loạt các ca khúc của ông, đó là không gian phố.

Có thể nói, hầu hết cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn liền với phố. Ông lớn lên tại thành phố Huế, tốt nghiệp tú tài tại Sài Gòn, chỉ sống ở Bảo Lộc 3 năm (1964-1967) rồi sau đó lại quay về Sài Gòn sống cho đến những năm tháng cuối đời. Phố vì thế là không gian mật thiết, gắn với từng bước chân, từng giác quan của người nghệ sĩ. Có thể thấy phố trong ca từ Trịnh Công Sơn có rất nhiều gương mặt khác nhau, biểu hiện khác nhau.

Chiều một mình qua phố

Sự nghiệp âm nhạc của Trịnh được coi là bắt đầu bằng bản Ướt mi, do NXB An Phú in năm 1959 qua giọng ca Thanh Thúy. Ở tình khúc buồn đầu tay này, mưa là thứ tràn ngập trong lời bài hát. Không gian ca khúc quanh quẩn nơi mái hiên trong tâm sự của một người con gái:

Ngoài hiên mưa rơi rơi

Buồn dâng lên đôi môi

Buồn đau hoen ướt mi ai rồi

Nhưng chỉ 2 năm sau đó, không gian phố bắt đầu tràn ngập trong những lời ca của Trịnh Công Sơn. Không gian được mở rộng hơn và nỗi cô đơn cũng thường trực hơn. Chủ thể trữ tình của lời ca không còn là bóng dáng một người con gái như thuở “ướt mi” nữa mà là chính tác giả:

Chiều một mình qua phố

Âm thầm nhớ nhớ tên em

Gió ơi gió ơi bay lên

Để bụi đường cay lòng mắt.

Điệp khúc “Chiều một mình qua phố” cứ thế trở đi trở lại trong tất cả các phiên đoạn của bài hát để rồi cho đến câu cuối cùng thì nỗi cô đơn khắc khoải càng dâng lên gấp bội:

Còn một mình trên phố

Âm thầm nhớ nhớ tên em

Ngoài kia không còn nắng mềm

Ngoài kia ai còn biết tên

(1961)

Bên cạnh cô đơn, phố còn gắn với những đợi chờ, những khát khao, những tình yêu mãi còn trong dang dở:

Đóa hoa hồng cài lên tóc mây ôi đường phố dài

Lời ru miệt mài ngàn năm ngàn năm

(Tuổi đá buồn, 1961)

Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng

(Biển nhớ, 1962)

Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố

Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình

(Tình xa, 1966 -1967)

Hình hài phố trong ca từ Trịnh Công Sơn có thể là đường phố, là thành phố mà cũng có thể là những không gian thuộc phố gây cảm giác cô liêu bơ vơ, như công viên:

Đã mấy lần thu sang

Công viên chiều qua rất ngắn

(Nhìn những mùa thu đi)

Cũng có khi công viên gắn với hình ảnh một người con gái, đẹp nhưng buồn với những u uẩn khó cất thành lời:

Em qua công viên bước chân âm thầm

Ngoài kia gió mây về ngàn

Cỏ cây chợt lên màu nắng

Em qua công viên mắt em ngây tròn

Lung linh nắng thủy tinh vàng

Chợt hồn buồn dâng mênh mang

(Nắng thủy tinh, 1963)

Nhìn chung, phố trong ca từ Trịnh Công Sơn với những tình khúc trước 1975 thường chủ yếu gắn với nỗi buồn, hoài niệm, sự bâng khuâng vô định, cũng có lúc là cả những ngỡ ngàng thảng thốt:

Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ

Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ

(Bên đời hiu quạnh, 1970-1971)

Một hôm bước qua thành phố lạ

Thành phố đã đi ngủ trưa

(Đêm thấy ta là thác đổ, 1971)

Ngay cả khi tiễn người con gái mình thương yêu về với phố phường, bên cạnh việc mong niềm vui sẽ đến với nàng thì dự cảm nỗi buồn cũng vẫn lẩn khuất đồng hành:

Thôi chào em về giữa phố xá thênh thang

Không gì vui thì hãy gắng nhớ đôi lần

(Quỳnh hương, 1974)

Văn hoá - Phố trong ca từ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001).

Phố của những buồn thương

Từ 1967 đến 1972, Trịnh Công Sơn cho ra đời liên tiếp 4 tập ca khúc phản chiến: Ca khúc Da vàng (1967), Kinh Việt Nam (1968), Ta phải thấy mặt trời (1970), Phụ khúc Da vàng (1972). Phố vẫn tiếp tục xuất hiện trong ca từ Trịnh Công Sơn và nó gắn trực tiếp với vận mệnh sinh tử của mỗi con người trong vùng không gian loạn lạc này. Có rất nhiều người đã mãi mãi nằm xuống trong cuộc chiến, trong đó có cả những bạn hữu thân thiết của Trịnh Công Sơn:

Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng

Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co

(Bài ca dành cho những xác người, 1968)

Anh nằm xuống như một lần vào viễn du

Đứa con xưa đã tìm về nhà

Đất hoang vu khép lại hẹn hò

Người thành phố trong một ngày đã nhắc tên

Những sớm mai lửa đạn, những máu xương chập chùng

(Cho một người nằm xuống)

Những thân phận yếu ớt bơ vơ hiện lên trong sự tàn khốc của chiến tranh:

Ghế đá công viên dời ra đường phố

Người già co ro chiều thiu thiu ngủ

Người già co ro buồn nghe tiếng nổ

Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi

(Người già em bé, 1965)

Phố trong những ca khúc của Trịnh có cả sự hiện diện của vũ khí, kéo theo những dự cảm về sự phá hủy:

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe

…Hàng vạn chuyến xe claymore lựu đạn

Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành

Từng vùng thịt xương có mẹ có em

(Đại bác ru đêm, 1967)

Nhiều đường phố của thời chiến đã trở nên hoang tàn vắng lặng, thiếu đi bóng dáng con người:

Đàn bò vào thành phố

Đêm buồn vắng buồn hơn

Đàn bò vào thành phố

Không còn ai hỏi thăm

…Một người vào thành phố

Đếm từng bước buồn tênh

Một người vào thành phố

Không còn ai người quen

(Du mục, 1965)

Nhưng giá trị các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn không chỉ dừng lại ở phản ánh hiện thực, nó còn gửi gắm vào đó bao khát vọng hòa bình, niềm tin về một ngày không còn chiến tranh. Phố trong ca từ Trịnh còn là những cái tên cụ thể, là những thênh thang kết nối tự do bước chân con người:

Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội

Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn

Nhưng sao lòng tôi vẫn chưa mất niềm tin

Vì quê hương sẽ có ngày thanh bình

(Chưa mất niềm tin, 1968)

Khi đất nước tôi thanh bình

Tôi sẽ đi thăm một phố đầy hầm

Đi thăm một con đường nhiều hố

…Tôi sẽ đi không ngừng

Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam

(Tôi sẽ đi thăm, 1967)

Văn hoá - Phố trong ca từ Trịnh Công Sơn (Hình 2).

Bức tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn với cây đàn ghita quen thuộc. (Ảnh: Tấn Sơn).

Phố của tin yêu, hy vọng

Khi tháng Tư lịch sử, ngày thống nhất non sông đã điểm, Trịnh Công Sơn lên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn, kêu gọi người dân ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, đồng thời cùng một số thanh niên hát vang ca khúc Nối vòng tay lớn. Phố trong lời bài hát là sự rộng mở nối liền mọi miền không gian:

Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo

Từ quê nghèo đến phố lớn nắm tay nối liền

Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh

Phố trong những ca khúc tiếp theo của nhạc Trịnh sau 1975 là những con phố với nhiều ấm áp, trìu mến thân thương:

Những con đường lứa đôi

Những góc hè phố vui

…Nắng như môi hoàng hôn trên phố

(Chiều trên quê hương tôi, 1980)

Em cùng lá tung tăng như loài chim đến

Và đã hót giữa phố nhà

…Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ

Đường dìu chân em đi đến những miền xa

(Tuổi đời mênh mông, 1982)

Phố đi vào các tình khúc với đầy những quyến luyến yêu thương:

Em còn nhớ hay em đã quên

Trong lòng phố mưa đêm trói chân

Dưới hiên nhìn nước dâng tràn

Phố bỗng là dòng sông uốn quanh

(Em còn nhớ hay em đã quên, 1980)

Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố

Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ…

Dưới đường phố kia có người nhớ em

Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường

(Cho đời chút ơn, 1993)

Cho dù tình yêu chưa trọn vẹn thì hồn người cũng không còn lạc lõng bơ vơ như thuở trước. Phố của thời bình hiện lên nhiều hơn vẻ đẹp của những người con gái:

Em đến bên đời

Hoa vàng một đóa

Một thoáng hương bay

Bên trời phố hạ

…Một cõi bao la

Ta về ngậm ngùi

Em cười đâu đó

Trong lòng phố xá đông vui

(Hoa vàng mấy độ, 1981)

Em hai mươi tuổi em bây giờ

Chân qua phố phường phố ngẩn ngơ

…Sài Gòn xua tan nghìn dấu lệ

Cho em bây giờ mắt tình đưa

(Hai mươi mùa nắng lạ, 95)

Sau này, phố tiếp tục trở thành cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sống và viết tại thành phố Hồ Chí Minh. Phố trong các sáng tác của các nhạc sĩ thuộc lứa trưởng thành sau 1975 có gương mặt sôi động, hối hả hơn. Dù có viết về những nỗi buồn, chia xa thì nhịp điệu của lời ca và giai điệu vẫn đi theo một lối khác hẳn, chẳng hạn:

Đi bên em chiều trên lối vắng

Phố xa phố xa ngỡ như thật gần

Đôi vai em gầy trong chiếc lá

Giờ là đợi chờ nhớ mong mùa xuân

(Phố xa – Lê Quốc Thắng)

Hỡi chiếc lá me xanh rơi trên đường xưa nắng hoa

Còn nhớ góc phố thân quen bâng khuâng chờ nhau thiết tha

Hỡi góc phố dịu dàng và hàng me anh đưa em đi ăn kem mỗi chiều

Hỡi góc phố dịu dàng và nụ hôn tan nhanh rất mau trong ly chè kem

(Góc phố dịu dàng – Trần Minh Phi)

Trong khi đó, phố của những nhạc sĩ sinh trưởng gốc Bắc lại có vẻ trầm lắng ưu tư hơn, nhịp điệu ca khúc cũng chậm hơn:

Đêm đêm nằm mơ phố, trăng rơi nhòa trên mái

Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà

Em như là sương khói, mong manh về trên phố

Đâu hay một hôm gió mùa thu

(Đêm nằm mơ phố - Việt Anh)

Văn hoá - Phố trong ca từ Trịnh Công Sơn (Hình 3).

Bối cảnh được phục dựng Cầu Trường Tiền. (Ảnh: Đoàn làm phim Em và Trịnh - bộ phim mới nhất về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Trở lại câu chuyện phố của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ sinh ra ở Huế, cả cuộc đời hầu hết gắn bó với Sài Gòn ấy đã dành tặng cho Hà Nội hai tình khúc thật đẹp về mùa thu. Này đây là một quyến luyến không muốn rời xa:

Bởi vì mùa thu tôi ở lại/ Hà Nội mùa thu Hà Nội thu

…Vì một bàn tay không ngần ngại

Tặng hết cho tôi một phố chờ

(Đoản khúc thu Hà Nội, 1995)

Và còn đây nữa là nỗi niềm riêng đã hòa vào cái chung, để mỗi khi Hà Nội vào thu, mỗi khi nhớ mùa thu Hà Nội lòng ta còn mãi ngân lên những câu hát:

Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu…

Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người

Lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai

Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi

Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi

(Nhớ mùa thu Hà Nội, 1984)

Tóm lại, phố trong ca từ Trịnh Công Sơn là một biểu tượng gây nhiều ám ảnh, trở đi trở lại trong nhiều ca khúc, có mặt trong suốt các thời kỳ sáng tác của người nhạc sĩ tài danh. Phố phản ánh những biến động của thời đại, đồng thời cũng in dấu chính tâm hồn người nghệ sĩ, gắn với tình yêu, thân phận và sự chìm nổi của bao kiếp người. Phố trong các bài hát có sự thể hiện đa dạng và linh hoạt về mặt cấu trúc. Ngoài dạng thức độc lập của một từ đơn, phố trong ca từ Trịnh Công Sơn còn là đường phố, thành phố, là những cái tên địa danh cụ thể. Phố cũng hiện lên một cách gián tiếp qua những miền không gian thuộc phố, chẳng hạn công viên. Tìm hiểu về biểu tượng phố trong ca từ của Trịnh, theo chúng tôi cũng là một cách để giải mã thế giới tinh thần trong các tác phẩm của ông và để hiểu hơn về chính con người ông, một nghệ sĩ gần như gắn trọn đời mình với phố.