Phải thừa nhận một điều, chưa khi nào ngành kinh doanh quán net tại Hà Nội lại ảm đảm đến vậy. Dưới các tác động của dịch COVID-19, quán net được coi là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao hơn đáng kể do đây là nơi tập trung khá đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do vậy, kể từ thời điểm cuối tháng 4/2021, một loạt quán net, từ 'net cỏ' cho đến các phòng máy tại thủ đô đều trong cảnh 'cửa đóng then cài".
Sau gần tròn 1 năm, kể từ 0h ngày 8/4/2022, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức cho phép các cửa hàng kinh doanh doanh trò chơi điện tử, Internet tại địa bàn thủ đô được phép mở cửa trở lại.
V.K Gaming - một chuỗi phòng máy có tiếng tại Hà Nội chứng kiến cảnh đông đúc vào thời điểm đầu giờ sáng.
Một số người chơi thậm chí phải đứng chờ một lúc lâu vì hết máy trong ngày đầu chuỗi phòng máy này mở cửa trở lại. So với thời điểm các chuỗi phòng net lớn tại Hà Nội luôn trong cảnh im lìm vì COVID-19, đây chắc chắn là một khung cảnh khiến các chủ quán phải…'ấm lòng'.
"Trong thời gian các quán đóng cửa vì dịch, bản thân mình cũng đã đầu tư một bộ case PC để chơi các game yêu thích ở nhà. Nhưng khi nghe tin các quán net ở Hà Nội được phép mở cửa trở lại, mình đã lập tức rủ bạn bè tới chơi ở quán vào sáng nay. Nói chung cảm giác hò hét, chơi game cùng bạn bè ở quán vẫn thú vị hơn chơi 1 mình ở nhà", Hoàng Tấn Minh, một game thủ CS:GO chia sẻ.
Vào thời điểm trước khi dịch COVID-19 diễn ra, V.K Gaming đã vận hành một loạt cơ sở ở khắp Hà Nội. Tuy nhiên, tác động của việc phải 'cửa đóng then cài' suốt 1 năm đã khiến chuỗi phòng máy này lần lượt đóng cửa các cơ sở ở Hà Đông và Khâm Thiên vào cuối 2021 và hiện chỉ còn hoạt động duy nhất 1 cơ sở ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).
Giống như V.K Gaming, G.M.X - một chuỗi cybergame lớn tại Hà Nội khác cũng đón một lượng lớn khách vào chơi trong ngày đầu mở cửa. Tại cơ sở ở đường Cầu Giấy của chuỗi phòng máy này, gần 90% số máy luôn trong tình trạng kín chỗ.
Với số lượng PC khoảng vài trăm máy, hầu hết các máy đều đã có người ngồi. Đáng chú ý, đây mới chỉ là thời điểm 10 giờ sáng – tức chưa phải là giờ cao điểm của quán khi các đối tượng khách hàng chính là học sinh – sinh viên vẫn đang đi học.
"Việc 1 năm không hoạt động khiến nhiều bộ PC của quán gặp lỗi. Trong khi đó, nhân viên cũ của quán đã nghỉ hết nên mình coi như bắt tay làm lại từ đầu. Quan điểm của mình là event là để tri ân và thêm kéo khách mới, nên máy móc, cơ sở vật chất, dịch vụ phải thật tốt mới dám nghĩ đến việc làm các sự kiện cho khách hàng", ông Nguyễn Mạnh Tuấn, quản lý chuỗi G.M.X chia sẻ.
"Chi phí tiền nhà mình có được hỗ trợ 1 phần, nhưng với số lượng cơ sở nhiều như thế thì cũng cực kỳ vất vả. Mình còn quỹ duy trì nhưng cũng dần cạn kiệt, ngoài tiền mặt bằng còn nhiều chi phí về nhân sự và điện nước. Mình không nghĩ mình trụ được lâu đến như thế", ông Tuấn trả lời khi được hỏi về những khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh khi bị gián đoạn bởi COVID-19.
Nhận định về việc hành vi khách hàng liệu có thay đổi sau 1 năm các quán net đóng cửa vì dịch, ông Tuấn khẳng định nhiều game thủ đã có xu hướng chuyển qua chơi game trên điện thoại nhiều hơn, song song với việc tự mua máy để trải nghiệm ở nhà.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, việc nhiều quán game phải dừng hẳn việc kinh doanh cũng có thể coi là lợi thế, khi mức độ cạnh tranh đã không còn quá gay gắt như trước đây. Nói cách khác, việc 'nguồn cung' đã giảm sẽ giúp các phòng máy còn trụ lại được sau dịch thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Tuy nhiên, không phải phòng máy lớn nào tại Hà Nội cũng có thể 'sinh tồn' và hoạt động trở lại sau 1 năm ngừng hoạt động. Chi phí thuê địa điểm quá đắt đỏ là thách thức lớn nhất khiến các phòng máy lớn 'gục ngã'. Có thể kể đến trường hợp của P. Cyber Game, khi các cơ sở của phòng máy này đã đóng cửa và trả lại mặt bằng, trong khi trang fanpage chính thức ở trạng thái 'im lim' kể từ năm 2021 tới nay.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều phòng máy lớn được đầu tư mạnh, không chỉ ở Hà Nội và còn ở một số tỉnh thành khác. Vào thời điểm tháng 10/20211, nhiều chủ quán phải thanh lý lại cửa hàng do không còn đủ khả năng tài chính để duy trì sau 6 tháng. Một số khác thậm chí buộc phải tận dụng nguồn tài nguyên máy tính sẵn có để khai thác tiền điện tử nhằm gỡ gạc chút vốn liếng và cầm cự qua mùa dịch.
https://genk.vn/cac-chuoi-phong-may-lon-tai-ha-noi-don-nuom-nuop-khach-ngay-dau-mo-cua-tro-lai-di-muon-la-het-cho-muon-choi-thi-phai-cho-20220408221654357.chn