Sau mắc Covid-19, nhiều chị em rối loạn "đèn đỏ", lo ngại ảnh hưởng sinh sản: BS trả lời

Sau khi mắc Covid-19, nhiều phụ nữ than thở họ bị rối loạn kinh nguyệt, thậm chí có người mất luôn cả chu kỳ trong vòng 3, 4 tháng.

Mắc Covid-19 từ cuối tháng 12, chị Nguyễn Diệu T. Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở đến nay, chị vẫn chưa thấy chu kỳ đèn đỏ quay lại dù đã thử thai nhiều lần nhưng chu kỳ vẫn biến mất.

Chia sẻ của chị T. nhanh chóng nhận được nhiều than phiền từ người cùng cảnh ngộ. Nhiều người chia sẻ từ khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho đến khi nhiễm Covid-19 thì ngày đèn đỏ của họ cũng biến mất từ đó.

Covid-19 ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt?

BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, nhiều phụ nữ sau khi khỏi Covid-19 gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da xấu đi do thiếu hoặc rối loạn hormone. Việc rối loạn kinh nguyệt có thể khiến chu kỳ kéo dài, ngắn hơn hoặc thậm chí mất kinh trong vài tháng.

BS Hoàng cho biết những biểu hiện trên ở người vừa khỏi Covid-19 đều xuất phát từ hiện tượng rối loạn hệ thần kinh thực vật.

Cơ thể chúng ta có 2 hệ thần kinh là chủ động (động vật) và thụ động (thực vật). Trong khi hệ thần kinh động vật quyết định các hoạt động có ý thức thì hệ thần kinh thực vật lại liên quan sự co bóp của tim, phổi, hệ tiêu hóa, tuyến mồ hôi,... ngay cả khi cơ thể đang ngủ, khi say hay bất tỉnh.

Khi gặp các vấn đề này, BS Hoàng cho rằng người bệnh đã khỏi Covid-19 nên thoải mái tâm lý, vận động, tập luyện thể dục, tinh thần của người bệnh cũng sẽ thoải mái hơn. Ngoài ra, việc tập luyện cũng đốt thêm năng lượng, tăng cường trao đổi chất, giúp họ ăn, ngủ ngon hơn qua đó nhanh chóng phục hồi.

Sau mắc Covid-19, nhiều chị em rối loạn đèn đỏ, lo ngại ảnh hưởng sinh sản: BS trả lời - Ảnh 1.

Phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt trong dịch Covid-19.

TS. BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết mỗi ngày ông đều gặp rất nhiều chia sẻ của chị em phụ nữ liên quan tới vấn đề hậu Covid-19 trong đó có rối loạn kinh nguyệt.

Đến nay, bệnh Covid-19 vẫn còn là "bí ẩn" nhiều người chưa thể giải thích được. Có những bệnh nhân hiếm muộn cả chục năm, mắc Covid-19 thập tử nhất sinh nhưng sau khi khỏi bệnh, 1 thời gian ngắn sau lại có thai tự nhiên. Có những bệnh nhân đái tháo đường, sau khi nhiễm Covid-19 thì bất ngờ đường huyết lại ổn định. Tương tự, bệnh nhân gặp các vấn đề về sức khoẻ hậu Covid-19 cũng rất nhiều trong đó, có việc rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

BS Trung cho biết, đến nay vẫn chưa thấy bằng chứng nào cho thấy Covid-19 ảnh hưởng tới sự phát triển của buồng trứng. Đa phần chị em rối loạn kinh nguyệt chủ yếu do căng thẳng, stress của dịch bệnh.

Theo BS Trung, chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới chịu tác động của rất nhiều yếu tố: mất cân bằng nội tiết, tăng giảm cân quá nhanh, rượu bia, thuốc lá, bệnh lý... Trong đó, phải kể đến một yếu tố phổ biến gây rối loạn kinh nguyệt đó là căng thẳng.

Cơ chế stress gây rối loạn kinh nguyệt liên quan mật thiết với sinh lý các hormon trong cơ thể, đặc biệt là nội tiết tố nữ. Căng thẳng sẽ tác động lên tuyến thượng thận làm tăng tiết hormone cortisol. Chính hormone cortisol này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản sinh các nội tiết tố nữ như estrogen, progesterone. Sự rối loạn của 2 loại nội tiết tố này là nguyên nhân chính gây rối loạn kinh nguyệt.

Cùng quan điểm, BS Sản khoa Lê Thị Kim Dung – Trung tâm Y tế lao động Thái Hà, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết virus SARS-CoV-2 không tác động tới noãn hoàn của người phụ nữ nên việc rụng trứng không chịu ảnh hưởng của virus. Đến nay người ta chỉ thấy virus SARS-CoV-2 có sự tác động tới bánh nhau trong hệ sinh sản của phụ nữ. Việc chị em chậm kinh nguyệt đã phần là do yếu tố tâm lý, stress gây nên.

Nhiều người khi mắc Covid-19 sẽ bị ảnh hưởng toàn thân như sốt, khó thở gây căng thẳng, mất ngủ, từ đó dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt cũng thay đổi theo.

BS Dung khuyến cáo, chị em phụ nữ không cần lo lắng về vấn đề chậm kinh vì sau 1 thời gian kinh nguyệt sẽ quay trở lại. Nếu trường hợp rối loạn diễn ra liên tiếp trong 2, 3 chu kỳ thì chị em có thể tới các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra sức khoẻ. Bác sĩ sẽ cho thuốc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt cho ổn định.

Sau mắc Covid-19, nhiều chị em rối loạn đèn đỏ, lo ngại ảnh hưởng sinh sản: BS trả lời - Ảnh 2.


https://soha.vn/sau-mac-covid-19-nhieu-chi-em-roi-loan-den-do-lo-ngai-anh-huong-sinh-san-bs-tra-loi-20220309094442996.htm