Sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc con mùa thi
Ôn thi căng thẳng cộng thêm thời tiết khó chịu khiến nhiều em cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, ăn không ngon, ngủ không yên, tâm lý lúc nào cũng lo lắng không biết sẽ vượt qua kỳ thi này như thế nào. Quan tâm và lo lắng cho sức khỏe của con, nhiều cha mẹ cũng làm đủ mọi cách có thể để giúp con vượt qua.
Không ít cha mẹ đã mua các loại thuốc bổ não hay còn gọi là thuốc tăng cường tuần hoàn não để cho con uống với mong muốn giúp con giảm bớt căng thẳng, đồng thời tăng cường trí nhớ.
Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Thùy Linh – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc lạm dụng một cách tùy tiện loại thuốc bổ này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
TS.BS Nguyễn Thùy Linh giải thích: Vai trò của các loại thuốc này có tác dụng giãn mạch và tăng cường tuần hoàn não giúp não có thể hoạt động tốt hơn, ngoài ra có thể duy trì và tổng hợp năng lượng cho não. Một số thuốc có tác dụng tăng sinh, biệt hóa cũng như điều hòa chức năng não. Do đó, nó có thể giúp cải thiện tuần hoàn não, trí nhớ cũng như tăng khả năng học tập, giảm triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
Tuy nhiên, các thuốc này chủ yếu dùng để điều trị các bệnh lý về não, thần kinh và nó cũng có tác dụng phụ nhất định, ví dụ có thể gây buồn nôn, đau bụng hoặc là ngủ gà ngủ gật cũng như là làm tăng cảm giác bồn chồn, dễ kích động, đặc biệt là nó có thể gây rối loạn tiêu hóa. Nếu sử dụng thời gian dài có thể khiến trẻ có dấu hiệu trầm cảm.
Vì vậy, thuốc này thường dùng điều trị cho những người mắc bệnh lý còn đối với các em học sinh là người khỏe mạnh thì cần cân nhắc khi sử dụng.
Cha mẹ không nên tạo quá nhiều áp lực thi cử cho con
Tương tự với óc lợn cũng vậy. Óc lợn không đa dạng các chất dinh dưỡng mà phần lớn là chất béo, hàm lượng cholesterol cao, ví dụ 100gr óc lợn chứa 2500mg cholesterol tức là hàm lượng cao gấp 10 lần so với nhu cầu bình thường nên nếu ăn thường xuyên kéo dài có thể tăng cholesterol máu, thừa cân béo phì hoặc rối loạn tim mạch khác. Vì vậy, khái niệm kiêng khem hay ăn gì bổ nấy là không có cơ sở khoa học.
Nên uống trà, cà phê, nước tăng lực như thế nào?
Thực tế, trà, cà phê, nước tăng lực cũng có hiệu quả là hạn chế cơn buồn ngủ, tăng tỉnh táo cho các bạn học sinh cũng như những người lao động trí óc căng thẳng. song, TS.BS Nguyễn Thùy Linh khuyến cáo, các em học sinh nên uống lượng vừa phải và uống vào buổi sáng.
“Những sản phẩm này thường sử dụng dưới dạng chế phẩm có hàm lượng đường cao. Cũng như là cà phê có hàm lượng coffein rất cao. Vì vậy, các bạn học sinh nếu sử dụng thì chỉ nên uống vào buổi sáng thôi, không nên sử dụng vào buổi tối vì nó có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra, các em học sinh nên chọn loại ít đường vì chọn những loại trà, cà phê có hàm lượng đường cao, sử dụng dài thì có thể gây thừa cân béo phì” – TS.BS Nguyễn Thùy Linh cho biết.
Để tốt cho sức khỏe, các em học sinh có thể thay thế trà, cà phê bằng các loại nước hoa quả hoặc loại nước có hàm lượng caffein thấp như hàm lượng tanin trong trà xanh, macha hoặc ca cao nóng cũng giúp cho tinh thần tỉnh táo.
Cha mẹ nên giúp con bố trí thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc tránh mệt mỏi
Nên ăn đầy đủ dinh dưỡng và duy trì luyện tập thể thao
Để giúp cho tinh thần của trẻ tỉnh táo trong suốt kỳ thi, TS.BS Nguyễn Thùy Linh khuyên cha mẹ không nên đặt áp lực quá lớn lên các con, chuẩn bị cho con thức ăn lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, cùng con lên một lịch sinh hoạt cân đối và thời gian ngủ đầy đủ, ngủ đủ sức và không cố gắng quá sức. Khi mệt mỏi, con nên nghỉ ngơi lấy lại sức thì học tiếp chứ không nên cố vì nếu trong trạng thái mệt mỏi và căng thẳng học sẽ không hiệu quả.
Cụ thể, về chế độ dinh dưỡng: cha mẹ chọn những thực phẩm tươi mới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cho trẻ ăn cân đối, đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là ở lứa tuổi cấp 2, các bạn không chỉ cần ăn đầy đủ để khỏe mà cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để phát triển thể chất. Tốt nhất, cha mẹ cho con ăn 3 bữa chính cân đối và có thể có thêm 1 bữa phụ. Tuyệt đối không nên bỏ bữa, nhất là bữa sáng, không nên ăn quá muộn vào buổi tối, không nên vừa học vừa ăn vì như vậy sẽ tăng nguy cơ bị bệnh đau dạ dày.
Cha mẹ có thể cho con ăn nhiều hơn những thực phẩm chứa omega 3 nhiều, B6, kẽm, vitamin C có trong cá, các loại hạt chia, óc chó, hạt điều. Đó là những thực phẩm có thể tăng cường miễn dịch, giúp trẻ giảm cảm giác lo lắng, bồn chồn cũng như áp lực quá cao khi ôn thi.
“Hiện nay trên thị trường có nhiều thực phẩm bổ dưỡng cho trẻ cũng như cho người bình thường. Nhiều phụ huynh có thể mua hoặc sử dụng cho con nhưng lưu ý nếu chế độ ăn uống của trẻ đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng rồi thì không cần bổ sung cho con. Trong một số trường hợp trẻ ăn uống không đầy đủ kéo dài, các bạn có thể thiếu máu, vi chất dinh dưỡng thì bố mẹ mới bổ sung cho con, tuy nhiên bổ sung thế nào thì cần có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng bởi vì mỗi loại sản phẩm dinh dưỡng có thành phần khác nhau và nhu cầu sự thiếu của các con cũng khác nhau. Có nhiều phụ huynh bổ sung cho con nhiều loại phối hợp với nhau dẫn đến trẻ bị thừa nhưng lại thiếu một số nhóm vi chất dinh dưỡng thì sẽ không tốt cho sức khỏe” – TS.BS Nguyễn Thùy Linh khuyến cáo.
Về thời gian ngủ nghỉ của con, cha mẹ nên cố gắng sắp xếp cho con ngủ 6-8 tiếng/ngày, tốt nhất là được đảm bảo 8 tiếng/ngày, đặc biệt ngủ sâu giấc từ 12h đêm đến 3h sáng là tốt nhất. Thời gian học không nên ngồi quá lâu. Trung bình học 30-45 phút thì đứng lên vận động nhẹ nhàng để cải thiện tuần hoàn lên máu tốt hơn.
Mỗi ngày, các em học sinh nên duy trì tập thể dục khoảng 30 phút, nếu không thì 5 buổi/tuần sẽ giúp cơ thể tránh mệt mỏi, căng thẳng, ngoài ra còn giúp tỉnh táo, tăng cường trí nhớ, cải thiện tuần hoàn não hiệu quả./.