Tỉnh An Giang là địa phương có đường biên giới với chiều dài gần 100 km, giáp hai tỉnh Kandal và Takeo của nước bạn Campuchia. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, đây là khu vực phức tạp khi mỗi ngày có rất nhiều đối tượng buôn lậu men theo các đường mòn lối mở để đưa hàng từ Campuchia về Việt Nam và ngược lại.
Ngay sau khi có thông tin liên quan đến 2 ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 tại Campuchia, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương khu vực biên giới kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ Campuchia về Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đã chỉ đạo siết chặt các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu; đặc biệt, không cho nhập hàng gia cầm từ Campuchia qua. Đồng thời, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi gia cầm tiến hành phun ngừa khử khuẩn; không mua những động vật, gia cầm trôi nổi; ngăn chặn không cho tiểu thương mua các sản phẩm gia cầm trôi nổi từ Campuchia qua.
Tại Đồng Tháp, tối qua (ngày 27/2), Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành Công điện khẩn số 01 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
Theo đó, Đồng Tháp yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, lưu thông trong tỉnh không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế thông tin kịp thời, chính xác về các trường hợp nghi nhiễm cúm trên người, tổ chức điều trị cho các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm gia cầm nếu có.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thông tin, ngoài việc thắt chặt cửa khẩu, địa phương cho phun độc, khử trùng khu vực biên giới để ngăn ngừa cúm gia cầm.
Từ ngày 22-24/2, Bộ Y tế Campuchia xác nhận, đã có 2 ca tử vong là cha con chung nhà do nhiễm cúm A/H5N1. Người cha 49 tuổi và bé gái 11 tuổi. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong.
Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỉ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi. Ở người, tỉ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A/H5N1, A/H5N6 và A/H7N9 cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B.
Thanh Lâm