Theo Bộ Y tế, ngày 19/4, số ca mắc mới Covid-19 trên cả nước tiếp tục tăng cao và lên tới 2.100 ca. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất trong 6 tháng qua.
BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng nhanh. Bên cạnh việc tiêm đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19, thực hiện thông điệp 2K thì việc bảo vệ người có yếu tố nguy cơ cao, mắc bệnh nền, thai phụ… cũng được Bộ Y tế khuyến cáo.
Đặc biệt, hiện nay cũng có một số phụ nữ mang thai không may trở thành F0, có tâm lý lo lắng và sợ hãi.
BS Thiệu cho hay: "Với phụ nữ mang thai, khi trở thành F0 thì không nên hoang mang, lo lắng, cần làm theo một số hướng dẫn như theo dõi nhiệt độ hàng ngày, nếu sốt thì hạ sốt bằng cách chườm ấm, uống thuốc hạ nhiệt… Khi sốt trên 38,5 độ C, thai phụ có thể sử dụng paracetamol hoặc efferagal - những loại thuốc hạ sốt hay sử dụng cho phụ nữ mang thai".
Ngoài ra, thai phụ nên đo SpO2 ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều (SpO2 > 96% để đảm bảo cung cấp O2 cho bé). Chỉ số SpO2 nếu thấp dưới 96% là dấu hiệu cần nhập viện, đồng nghĩa với tình trạng của thai nhi cũng bị nguy hiểm.
"Nếu thai phụ ho nhiều có thể sử dụng chanh đào mật ong, súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%. Một số loại thuốc ho lành tính có thể sử dụng như: Prospan, kẹo ngậm... nhưng nên hạn chế, không lạm dụng", BS Thiệu cho biết.
Đối với thuốc giảm ho, trị ho và đặc biệt kháng sinh, thai phụ cần có chỉ định của bác sĩ, chuyên gia y tế. Phụ nữ mang thai tuyệt đối không dùng kháng virus (Morlupiravir, Favipiravir, Abidol,...); không dùng chống viêm ức chế miễn dịch khi chưa có chỉ định của bác sĩ (Medrol, Prednisonon, Mythypresnisonon,...); không tự ý dùng chống đông (Enoxaparin, Levonox, Xarelto,…); không dùng các thuốc Đông y, thuốc Nam khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Ngoài ra, BS Thiệu cho biết thai phụ nên duy trì chế độ ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, bổ sung vitamin, khoáng và chất xơ tự nhiên; Chế độ ăn nhiều acid béo như hải sản, cá biển,...; bổ sung sắt, kẽm và các vitamin cho mẹ; Uống đủ nước 40ml/ kg/ ngày, nghỉ ngơi thư giãn, có thể nghe nhạc không lời trước khi ngủ; tập luyện nhẹ nhàng.
Phụ nữ mang thai nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ nhiễm COVID-19 bao gồm:
- Phụ nữ mang thai nên tiêm phòng Covid-19 càng sớm càng tốt, không phụ thuộc vào tuổi thai, sau sinh vẫn tiêm và cho con bú (sau khi tiêm con vẫn nhận kháng thể chống SARS-CoV-2 trong 6 tháng đầu nên bé sẽ được bảo vệ).
- Che miệng khi ho, tránh các không gian không khí kém và nơi đông người, đeo khẩu trang khi đi khỏi nhà và nơi công cộng.
- Cố gắng giữ khoảng cách tiếp xúc 2 mét với người khác.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Giữ liên lạc chặt chẽ với bác sĩ thai sản.