"Số cán bộ y tế phải trả giá cho COVID-19 quá lớn"

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng từ việc giám sát cho đến ra báo cáo phải làm sao để đi vào thực tế, từ đó có thể đối phó với đại dịch một cách tốt hơn.

Chiều 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng công cuộc phòng chống dịch của chúng ta thu được rất nhiều thành công, được thế giới ghi nhận, nhưng theo đại biểu này "ngày xưa chiến thắng về chúng ta mừng công, còn bây giờ chúng ta trảm tướng, thay tướng". Đại biểu Lan cho rằng đây là thất bại.

"Với hệ thống ngành y tế, số cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch này quá lớn", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Do vậy, từ việc giám sát cho đến ra báo cáo, phải làm sao để đi vào thực tế, nếu có những đại dịch thì chúng ta sẽ đối phó được tốt hơn, bảo vệ người dân, bớt người chết hơn. Nhưng nếu ta cứ e dè, sợ hãi, tự làm khó mình, đại biểu lo sợ không biết chuyện gì xảy ra khi dịch bệnh trở lại (không chỉ COVID-19).

Số cán bộ y tế phải trả giá cho COVID-19 quá lớn - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh)

"Y tế là môn kỹ thuật chúng tôi không thể dùng khẩu hiệu đi qua đại dịch. Chúng ta phải có những cơ chế bảo vệ người làm cơ chế đó để trong mọi tình hình về sau này. Tôi cũng trong đoàn giám sát, cũng trong tâm dịch đến các địa phương chứng kiến rất nhiều người phải rơi nước mắt", đại biểu Lan chia sẻ.

Có bác sĩ nói khi có dịch là anh hùng áo trắng, khi hết dịch chủ yếu viết báo cáo giải trình

Vào sáng nay, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), đất nước ta trải qua một thời gian chống dịch hết sức vất vả, đau thương, mất mát và chưa có tiền lệ. Bên cạnh đó, qua đau thương, mất mát, chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, yêu thương của con người Việt Nam, lá lành đùm lá rách, chia sẻ ngọt bùi. Hình ảnh những "thiên thần áo trắng", những anh bộ đội, lực lượng vũ trang giúp dân chống dịch, mua thực phẩm…

"Tuy nhiên, qua dịch COVID-19 chúng ta thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, của đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính và thực tế đã bị pháp luật nghiêm trị", ông Thông đề nghị.

Cũng theo ông Thông, qua giám sát cũng thấy được những bất cập, lỗ hổng của các quy định pháp luật và những vấn đề tồn tại khác mà báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu.

Số cán bộ y tế phải trả giá cho COVID-19 quá lớn - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

Để làm rõ, đại biểu đoàn Bình Thuận đã kể lại tâm sự của một bác sĩ: "Bác sĩ đó nói rằng, trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của đơn vị đã cố gắng hết sức mình động viên nhau, làm mọi cách, mọi biện pháp để có thuốc, có oxy, có sinh phẩm để cứu bệnh nhân, vì sinh mệnh con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội xem họ là những anh hùng áo trắng.

Tuy nhiên khi hết dịch, qua vụ án của Việt Á và các vụ án có liên quan, hình ảnh những anh hùng áo trắng không còn nữa và nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí và công sức nhất của các bác sĩ, các nhà quản lý y tế là viết các báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng".

Theo ông Thông, vị bác sĩ này cũng cảm ơn Trung ương đã ban hành kịp thời những hướng dẫn xử lý, phân hóa đối tượng nên rất nhiều trường hợp không vướng vào vòng lao lý và vị bác sĩ nói thêm rằng nếu chỉ đạo trên có sớm hơn thì hay biết bao nhiêu.

Bên cạnh đó, một nỗi lo đau đáu khác đó là làm sao trả nợ cho các doanh nghiệp, những vật tư y tế, oxy, thuốc men trong quá trình cấp thiết đã mượn trước để chữa trị cho bệnh nhân. Bây giờ, các doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng không có cơ sở để hoàn trả.

Nên làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng

Trước đó trong phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) mong muốn Chính phủ lấy đúng tinh thần của Nghị quyết 30 và Nghị quyết 43 của Quốc hội để thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị.

"Nên làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, các cá nhân đã tham gia chống đại dịch COVID-19. Xin đừng quên lãng những đóng góp của họ. Đại dịch COVID-19 vừa qua ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh, đóng góp của Nhân dân vừa qua là rất lớn", ông Trí cho biết.

Số cán bộ y tế phải trả giá cho COVID-19 quá lớn - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) mong muốn đẩy nhanh việc thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, tại một số thời điểm, các mặt hàng y tế khan hiếm, giá cả thường xuyên dao động nên đã xảy ra tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Để đảm bảo vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch, một số địa phương đã phải tổ chức vay mượn của các đơn vị tuyến trên, đơn vị bạn và một số nhà cung cấp trước đó. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát vẫn còn một số địa phương đang nợ vật tư, sinh phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19 mà chưa có phương án tháo gỡ vướng mắc.

"Để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan sớm tham mưu, có phương án xử lý vướng mắc nêu trên", đại biểu Ngân nêu ý kiến.