Vị cay xuất hiện trong hầu hết món ăn của các nền ẩm thực thế giới. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học thực hiện nhiều nghiên cứu để lý giải vì sao một số người thích ăn cay, trong khi số khác không thể chịu nổi cảm giác này.
Theo các chuyên gia, vị cay là cảm giác bỏng rát do chất capsaicin trong thực phẩm gây ra. Khi ăn cay, capsaicin sẽ kích thích các thụ thể trong miệng gọi là TRPV1, gây ra phản ứng. Khi các thụ thể TRPV1 được kích hoạt, cảm giác mỗi người trải qua gần giống với uống phải nước sôi. Tuy nhiên, cơn đau chỉ là ảo giác từ các thụ thể thần kinh bị nhầm lẫn.
Capsaicin gây đau, khiến cơ thể nghĩ rằng mình đang trong tình huống nguy hiểm. Như một phản xạ tự nhiên, não bộ tiết ra endorphins, một loại hormone gây khoái cảm. Đây là cách cơ thể cố gắng loại bỏ những "mối đe dọa không có thật" khi một người đang ăn đồ cay. Sự giải phóng hormone bất đắc dĩ này khiến nhiều người vô tình liên tưởng việc ăn cay với cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn, tương đương trạng thái có được sau khi tập thể dục.
Ăn cay cũng kích thích não bộ sản sinh hormone adrenaline, khiến tim đập nhanh, gây hưng phấn, giống với việc trải nghiệm tàu lượn siêu tốc hoặc nhảy bungee.
"Chỉ con người mới có thể tận hưởng được những sự kiện tiêu cực (nếu biết rõ đây không phải mối đe dọa) một cách bẩm sinh, thích thú với những cảm giác mà não bộ được lập trình để tránh xa. Tâm trí lúc này ưu việt hơn cơ thể. Cơ thể nghĩ rằng bạn đang gặp nguy hiểm, nhưng tâm trí biết điều này không đúng", Paul Rozin, giáo sư khoa tâm lý học, Đại học Pennsylvania, cho biết.
Theo nhà tâm lý học Paul Bloom, con người là động vật duy nhất thích ăn ớt và cảm giác cay nóng nói chung. Các loài động vật có vú như chuột và sóc có chung cơ quan cảm thụ thức ăn cay như người, song thường có xu hướng tránh dùng ớt làm nguồn thức ăn.
Chim có thể ăn ớt, nhưng chúng không cảm nhận được sự cay bởi có các cơ quan thụ cảm khác với người về mặt sinh học, không ghi nhận tác dụng của capsaicin.
Bên cạnh đó, ớt có tính kháng khuẩn. Theo các chuyên gia, con người đã tiến hóa về mặt văn hóa và di truyền sở thích ăn cay vì chúng bảo vệ họ khỏi các mối xâm hại cực nhỏ. Trước khi có các công cụ làm lạnh, cấp đông, ớt cay thường được sử dụng để giúp bảo quản thực phẩm, tránh vi khuẩn ở những vùng nóng ẩm. Khi vị giác gặp phải sự cay nóng, nó gửi tín hiệu đến não rằng thức ăn sạch, ít vi khuẩn.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra lợi ích sức khỏe của việc ăn cay. Hợp chất capsaicin có chứa nhiều chất chống oxy hóa và kháng viêm. Capsaicin cũng giúp cải thiện đường tiêu hóa, tăng cường trao đổi chất, nâng cao sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ ung thư, cải thiện tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch.
Thực tế, việc sử dụng một ly nước để giảm cảm giác cay không hiệu quả. Capsaicin kỵ nước, tức là phân tử này không liên kết với nước. Ngược lại, ethanol trong bia lạnh có thể làm cảm giác bỏng. Đồ uống nhiều đường cũng sẽ kích hoạt vị ngọt, khiến não bộ bối rối vì phải xử lý quá nhiều tác nhân kích thích, từ đó quên đi sự cay. Một ly sữa, vài thìa sữa chua hoặc kem sẽ làm dịu cảm giác bỏng rát.
Thục Linh (Theo Conversation)