Nếu là một fan của Tây du ký, thì ai cũng biết gậy Như Ý hay còn gọi là Như Ý Kim Cô Bổng là binh khí lợi hại được Tông Ngộ Không tâm đắc nhất. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đây không phải binh khí đầu tiên được Ngộ Không sử dụng để làm nên tên tuổi của mình.
Trong Tây du ký, sau khi bị Bồ Đề Tổ Sư đuổi khỏi sư môn, Ngộ Không liền về Hoa Quả sơn cùng với bầy khỉ. Khi ấy, nghe lũ khỉ khóc lóc, kể lại rằng trong lúc Ngộ Không vắng mặt, Hỗn Thế Ma Vương thường xuyên tới đây ức hiếp chúng.
Bầy khỉ vây xung quanh Mỹ Hầu vương, dập đầu thưa rằng: “Chúng con mong đại vương như đói khát mong cơm ăn nước uống. Gần đây chúng con bị một con yêu ma hung ác chiếm động Thủy Liêm. Chúng con liều chết quên sống đánh nhau, bị nó cướp hết đồ đạc, bắt đi nhiều con cháu, khiến chúng con ngày đêm mất ngủ, canh giữ cơ nghiệp. May được đại vương về, nếu một năm nữa đại vương không về, thì đến cả động này cũng thuộc về người khác mất”.
Sau khi nghe lũ khỉ con thuật lại toàn bộ, không thể đứng nhìn, Ngộ Không tức giận tìm đến nơi ẩn náu của Hỗn Thế Ma Vương hỏi tội.
Hỗn Thế Ma Vương là yêu quái ở Thủy Tang động, thuộc núi Khảm Nguyên. Trong nguyên tác, Ngô Thừa Ân miêu tả hắn ta mặc áo giáp sắt, đầu đội kim khôi, chân mang hài đen, tay cầm siêu bạc, mình cao ba trượng, lưng lớn mười vây, sức mạnh khủng khiếp. Dẫu vậy, Hỗn Thế Ma Vương cũng chỉ là yêu quái bình thường, không thể so sánh được với Tôn Ngộ Không.
Với 72 phép thần thông học được từ Bồ Đề Tổ Sư, Tôn Ngộ Không chẳng cần mang theo vũ khí cũng đủ sức chế ngự được Kim Cang đao trong tay Hỗn Thế Ma Vương và dùng chính Kim Cang đao diệt trừ y.
Sau đó, Ngộ Không đã đem Kim Cang đao về, ngày ngày đem đao ra múa, chỉ dạy võ nghệ và mở rộng tầm ảnh hưởng của Hoa Quả sơn. Cũng từ đó, tên tuổi của Tôn Ngộ Không được lan truyền. Các Ma vương xung quanh cũng chú ý, đến làm thân, kết bạn với Ngộ Không.
Việc Tôn Ngộ Không dùng Kim Cang đao diệt trừ Hỗn Thế Ma Vương là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của y. Đây là chiến công đầu tiên của Ngộ Không, giúp y khẳng định được sức mạnh của mình.
Quốc Tiệp