Thấy con 3 tuổi chưa biết nói, bố mẹ hốt hoảng đưa đi khám, ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân

Theo chuyên gia, chăm sóc trẻ nhỏ không chỉ là giúp cho trẻ đủ ăn, khoẻ mạnh về thể chất mà còn phải giúp con có sức khoẻ tinh thần tốt.

Tầm quan trọng của sự quan tâm của cha mẹ

Ngày 28/11, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã phát động chiến dịch "24h bên con", nhằm truyền tải thông điệp đến các bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ "hãy luôn sẵn sàng đồng hành cùng con trong hành trình lớn khôn" vì thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe thể chất, mạnh tinh thần.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước, do vậy việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục là trách nhiệm chung của mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Thực tế cho thấy nhiều đứa trẻ thiếu sự quan tâm của bố mẹ dù tuổi còn rất nhỏ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.

TS Phạm Văn Tư – Phó khoa Công tác xã hội (trường Đại học Sư phạm Hà Nội), chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý, cho biết ông đã từng tiếp nhận một đứa trẻ hơn 3 tuổi không thể nói được một câu, trong khi bố mẹ là người rất hoạt ngôn, gia đình có điều kiện.

Cậu bé đã được bố mẹ đưa đi khám ở nhiều nơi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Khi bệnh nhi được bố mẹ đưa tới gặp TS Tư, khai thác sâu cuộc sống gia đình, tiến sĩ Tư được biết người mẹ của đứa trẻ làm trong một công ty mỹ phẩm rất nổi tiếng.

Công việc của người mẹ rất bận rộn, lao đầu vào các dự án để kiếm tiền, chồng cũng vậy. Con được 2 tháng tuổi thì để lại cho ông nội chăm sóc. Tuy nhiên, ông nội thường cho trẻ xem ti vi và điện thoại, hai ông cháu không giao tiếp bằng lời nói với nhau.

"Hơn 3 tuổi, cậu bé chưa biết nói, gia đình hốt hoảng đổ lỗi cho nhau vì cho rằng con bị tự kỷ nên đưa đi khám. May mắn, qua đánh giá, đứa trẻ không bị tự kỷ mà chỉ chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc. Nguyên nhân do trẻ thiếu sự quan tâm của bố mẹ trong giai đoạn đầu đời. Sau khi được tư vấn, đứa trẻ đã cải thiện rất nhiều", tiến sĩ Phạm Văn Tư nói.

Thấy con 3 tuổi chưa biết nói, bố mẹ hốt hoảng đưa đi khám, ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân - Ảnh 1.

TS Phạm Văn Tư – Phó khoa Công tác xã hội (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trả lời phỏng vấn. (ảnh N.P)

Hay như trường hợp một người mẹ tới gặp bác sĩ Tư và phàn nàn rằng mình "phát điên" với con. Bản thân chị là một giáo viên, khi sinh con, chồng chị đã muốn vợ nghỉ việc để chăm sóc con tốt hơn. Dù ở bên cạnh con 24 giờ nhưng chị vẫn bất lực vì con nghịch, thường vẽ lên tường. Lần gần nhất, đứa trẻ đã phá hỏng chiếc tivi trong nhà.

TS Tư tư vấn người mẹ hãy cùng con vẽ lên giấy, chơi cùng con. Hãy hình thành cho con sự phân biệt chỗ nào được vẽ và ở đâu thì không được vẽ. Dần dần, đứa bé đã không còn vẽ lên tường nữa mà vẽ vào giấy.

TS Tư cho biết ở bên cạnh con nhưng không biết chơi cùng con thì cũng là thất bại. Làm cha mẹ là một việc không hề dễ dàng nên bất cứ ai cũng cần phải học để hoàn thiện hơn.

Lời nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh

Theo ông Tư, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến cảm xúc của con. Với đứa trẻ ít được quan tâm, khi tiếp xúc với người lạ, thậm chí người thân lâu không gặp, chúng thường xa lánh, ít giao tiếp, thu mình… Khi thấy những biểu hiện này, bố mẹ cần thay đổi cách chăm sóc con, dành thời gian cho con hơn.

"Việc kiếm tiền của phụ huynh là quyền của mỗi người, nhưng cần phải cân bằng trong việc chăm sóc con và gia đình. Tốt nhất nên áp dụng quy tắc 80-20. Trong đó 80% là dành thời gian cho những việc quan trọng, 20% dành cho gia đình", ông Tư nói.

Đôi khi, sự quan tâm không cần quá cầu kỳ, mà chỉ cần chơi cùng con, cùng con nấu bữa ăn hay đi làm về chỉ cần thay quần áo rồi ôm con một cái, cười với con. "Không cần thiết phải hỏi han hàng loạt câu hỏi: Hôm nay đi học thế nào? Có bạn nào đánh không? Bài tập thế nào?", chuyên gia tư vấn.

Khi bố mẹ quan tâm con như vậy, trẻ sẽ bộc lộ cảm xúc với bố mẹ, sẽ nói được những từ ngữ yêu thương.

Ông Tư cũng thẳng thắn chia sẻ rằng việc dành thời gian cho con không phải chỉ là dạy con học. Hãy tạo không gian thoài mái để con chủ động hơn trong việc học. Bố mẹ phải biết chấp nhận đứa con của mình, biết chấp nhận cái hay, cái dở của con mình, hãy bằng lòng với những gì con mình có, ngừng so sánh, ông Tư nói.

https://soha.vn/thay-con-3-tuoi-chua-biet-noi-bo-me-hot-hoang-dua-di-kham-ngo-ngang-khi-biet-nguyen-nhan-2023112813010508.htm