Có rất nhiều lý do để phụ nữ ở TP.HCM "lười" sinh con. Hiện nay nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh một đứa con, chưa kể không ít thanh niên còn không muốn lập gia đình. Tình trạng mức sinh thấp cũng được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành khác.
Thu nhập cao vẫn không sinh thêm con
Chị N.T.T.L. (39 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) kể con gái chị năm nay 11 tuổi, đang học lớp 5 và đến nay vợ chồng chị cùng giữ quan điểm chỉ sinh một đứa con.
"Hai bên nội ngoại động viên nhà tôi sinh thêm, nhưng tôi thấy với công việc đang đảm đương thì lo cho một đứa con đã là quá vất vả", chị L. chia sẻ. Cả hai vợ chồng chị L. đều làm cho các công ty nước ngoài. Buổi tối, sớm nhất phải 19h chị mới được về nhà, có hôm nhiều việc phải làm đến tận 21h. Chồng chị cũng về nhà sau 19h. Thế là ngày nào vợ chồng chị đều phải nhờ bà nội đón bé về nhà, cho bé ăn uống.
"Ăn tối xong, vợ chồng tôi chỉ nói chuyện với con một chút và đi ngủ. Mặc dù thu nhập của hai vợ chồng tôi hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng tôi vẫn không dám sinh thêm vì thấy thời gian của mình phải dành cho công việc khá nhiều. Chưa kể một năm tôi phải đi công tác nước ngoài vài chuyến, mỗi chuyến đi mất 5-7 ngày nên việc lo cho con ở nhà là chồng tôi và bà nội đảm nhận", chị L. chia sẻ.
Còn vợ chồng anh N.V.K. (32 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) mới sinh được một bé trai 2 tuổi nhưng đã quyết định không sinh thêm con nữa. Vợ chồng anh đều đi du học bên Úc về, hai bên gia đình nội ngoại rất có điều kiện về kinh tế, sẵn sàng hỗ trợ thay phiên nhận trông cháu nhưng vẫn không làm thay đổi kế hoạch của hai vợ chồng.
"Trách nhiệm làm cha mẹ rất lớn, dạy con như thế nào để con trở thành một công dân tốt, phát triển được hết khả năng" là điều vợ chồng anh K. chia sẻ. Bên cạnh đó, vợ anh không muốn sinh thêm vì nhớ đến cảnh sinh nở đau đớn, đêm hôm phải chăm con nhỏ, thời gian có con nhỏ hai vợ chồng không được đi đây đi kia, ảnh hưởng đến dáng vóc người phụ nữ...
Còn nhiều cặp vợ chồng khác lại chia sẻ những lý do khiến họ không muốn sinh thêm con nữa là chi phí cho một đứa con quá lớn với thu nhập của họ. Chưa kể áp lực công việc với phụ nữ ngày càng lớn, thời gian làm việc quá dài nên không thể có thời gian chăm sóc con, mất nhiều thời gian để đưa đón con đi học, học thêm, phát triển các kỹ năng...
Nỗ lực giữ mức sinh hiện tại
Nhìn nhận về mức sinh ít, ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng thật ra lịch sử mô hình chuyển tiếp nhân khẩu học của các nước trên thế giới đều cho thấy khi áp lực của cuộc sống ngày càng tăng và sự nhìn nhận giá trị sống của con người thay đổi thì mức sinh sẽ càng giảm. Điều này đã thấy rất rõ từ những nước phát triển phương Tây cho đến các nước châu Á và những quốc gia Đông Nam Á, trong đó có VN.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, tình hình kinh tế khó khăn trong năm qua cũng là một trong những nguyên nhân. Những cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn sẽ cân nhắc về điều kiện gia đình trong việc sinh con, nuôi dạy, chăm sóc con với chi phí ngày càng tăng. Rồi nữa là có thể nhìn thấy sự cạnh tranh về việc làm và thách thức phải đầu tư phát triển chuyên môn của người lao động.
Vì thế, khuynh hướng sinh con một ngày càng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét những nguyên nhân khác bao gồm sự thay đổi về quan điểm kết hôn và sinh con của thế hệ hiện nay, xu hướng kết hôn muộn và sinh con muộn cũng như tình trạng vô sinh nguyên phát và thứ phát tại VN.
Trả lời câu hỏi thực tế TP.HCM đã bàn nhiều về các biện pháp để nâng mức sinh trong nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thấy có một sự hỗ trợ cụ thể với những người sinh con thứ hai? Ông Trung cho rằng việc đề xuất các chính sách liên quan đến nhu cầu và lợi ích của người dân được ngành