Thực hư dùng nước gạo rang và gừng để giải độc Botulinum

Nước gạo rang kết hợp với gừng là loại nước khá quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, gần đây loại nước này được cho là 'thuốc' thải độc Botulinum.

Thực hư thông tin thải độc Botulinum bằng nước gạo rang và gừng

Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh, thức ăn cũng nhanh hỏng. Trước nguy cơ nhiễm độc tố của vi khuẩn, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin chia sẻ cách giải độc bằng mẹo vô cùng đơn giản, đó là dùng: gạo rang kết hợp và gừng để giải mọi độc tố, ngay cả khi nhiễm độc Botulinum (một độc tố gây chết người).

Cụ thể, thông tin này được chia sẻ như sau: "Ngộ độc Botulinum. Thời tiết nắng nóng làm thức ăn dễ bị thiu sẽ dẫn đến ngộ độc, mọi người cần chú ý. Một bài thuốc dân gian có thể giúp ích khi ngộ độc, tiêu chảy, nôn. Gạo sống cho lên chảo rang vàng: khoảng 1 nắm nhỏ; Gừng tươi: cắt mỏng 1 củ. Bỏ tất cả vào ly hoặc bình pha nước sôi, uống như trà, có thể cả ăn cả gạo và gừng".

Vậy, thông tin dùng nước gạo rang và gừng có thể giải được độc tố có đúng sự thật hay không?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho hay, nước gạo rang lành tính, thường được dùng trong những ngày hè nắng nóng. Uống có tác dụng giải nhiệt, tốt cho sức khoẻ. Còn gừng vừa là gia vị vừa là dược liệu có tính giải độc. Từ thời xưa, khi đau bụng do ngộ độc thức ăn, mọi người vẫn thường dùng nước gừng. Hoặc các trường hợp cảm mạo (trúng độc nhẹ) cũng uống nước gừng.

Thực hư dùng nước gạo rang và gừng để giải độc Botulinum - Ảnh 1.

Thông tin nước gạo rang gừng (nguồn: Internet)

PGS Thịnh lưu ý: "Nước gạo rang với gừng chỉ hỗ trợ giải độc chứ không phải là thuốc để giải độc tố. Do vậy, đừng "thần thánh" quá mức nước gạo rang và gừng.

Botulinum là một độc tố rất nguy hiểm. Nếu mức độ độc tố nhiều mà người bệnh không được dùng thuốc để trung hoà độc tố có thể dẫn tới tử vong. Trường hợp nghi ngờ ngộ độc Botulinum cần phải đến cơ sở ý tế để bác sĩ cấp cứu và dùng thuốc thải độc. Nước gạo rang và gừng không thể trung hoà độc tính của Botulinum".

Theo PGS Thịnh, người dân khi đọc các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội cần phải biết chọn lọc, tìm hiểu cặn kẽ thông tin. Nước gạo rang và gừng là một loại nước tốt có thể dùng được nhưng không nên "thần thánh" quá mức vì có thể gây nguy hiểm cho các trường hợp bị ngộ độc Botulinum.

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay, việc điều trị giải độc Botulinum rất khó khăn, phải dùng huyết thanh kháng độc tố rất đắt tiền và thường phải nhập từ nước ngoài về. Huyết thanh sẽ làm trung hoà độc tố giúp cho bệnh nhân bình phục.

Botulinum là một vi khuẩn sống trong môi trường yếm khí được đóng kín như: thịt hộp, thịt muối chua…

Cách đây, 2-3 năm chúng ta đã ghi nhận trường hợp ngộ độc pate Minh Chay do ăn đồ hộp đóng kín. Gần đây nhất là vụ ngộ độc do ăn cá muối ủ chua tại Quảng Nam và ngộ độc do chả lụa.

Bác sĩ Cường cho hay, triệu chứng của những bệnh nhân ngộ độc Botulinum thường là yếu cơ, liệt cơ, mệt mỏi, sụp mí, khó nói, khó nuốt. Đặc biệt, bệnh nhân có thể bị liệt cơ hô hấp, gây suy hô hấp và phải thở máy.

Theo bác sĩ Cường, bệnh nhân ngộ độc Botulinum nếu được điều trị kịp thời, dùng huyết thanh trung hoà độc tố, bệnh nhân sẽ bình phục và không để lại di chứng. Vì khi các độc tố được đưa ra ngoài, các cơ sẽ phục hồi lấy lại chức năng.

Trường hợp ngộ độc Botulinum nếu không được điều trị, nguy cơ tử vong có thể lên tới 50% (số ca ngộ độc).

Theo các chuyên gia cơ thể con người có khả năng trung hoà được độc tính. Nếu như nhiễm Botulinum mức độ nhẹ, cơ thể có thể tự trung hoà được độc tố nhưng thời gian sẽ kéo dài và cần có sự theo sát của nhân viên y tế. Còn đối với các trường hợp ngộ độc Botulinum nặng thì cần phải dùng thuốc huyết thanh trung hoà độc tố để không nguy hiểm tới tính mạng.