Thực phẩm chức năng Xtra Man được người nổi tiếng quảng cáo thành thuốc trị bệnh yếu sinh lý
Mặc dù sản phẩm Xtra Man chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng được dàn dựng quảng cáo thổi phồng công dụng như một loại “thần dược” điều trị bệnh yếu sinh lý ở nam giới.
Sau đó, nữ MC này cầm lên tay sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xtra Man, và nói rằng: "Đây là siêu phẩm Xtra Man đang được hàng triệu đàn ông trong và ngoài nước truyền tai nhau. Cát Tường cam kết chỉ dùng sau 20 ngày là khỏi hẳn bệnh trên bảo dưới không nghe".
Ngoài ra, trong clip quảng cáo này, MC T. còn tung hô Xtra Man là thuốc đỉnh cao của y học thế giới trong điều trị yếu sinh lý.
Theo tìm hiểu, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xtra Man do Công ty cổ phần Thịnh Tâm Đường, có địa chỉ tại số 16A, ngách 61, ngõ 230 phố Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, công bố lưu hành theo giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm số 13251, ngày 6/12/2019 của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Đơn vị sản xuất là nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng - Công ty cổ phần dược phẩm Santex, có địa chỉ tại cụm công nghiệp Thanh Oai, thôn Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Trên thực tế thì sản phẩm Xtra Man là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và không hề có tác dụng như thuốc chữa bệnh yếu sinh lý cho nam giới như T. quảng cáo.
Chưa dừng lại ở đó, sản phẩm Xtra Man còn quảng cáo được “Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn không tác dụng phụ và được phép lưu hành trên toàn quốc”. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Y tế không hề cấp phép chứng nhận cho bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào.
Có chăng, loại "chứng nhận" mà họ quảng cáo chỉ là "giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" mà Cục An toàn thực phẩm cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Muốn biết chất lượng sản phẩm có đúng như trong giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hay không, cần phải qua quá trình hậu kiểm do Cục An toàn thực phẩm tiến hành.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hưng cho hay: "MC T. quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xtra Man như vậy là hoàn toàn sai sự thật. Bởi thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì không phải là thuốc, càng không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Nếu cứ quảng cáo sai sự thật như vậy sẽ dẫn đến nhiều người tiêu dùng dễ bị lừa dối khi tin vào quảng cáo".
Chị Phan Lê Giang, từng làm truyền thông quảng cáo ở Hà Nội, chia sẻ: "Mức thù lao thuê nghệ sĩ quảng cáo rất cao, từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng/clip. Nhiều người còn chả phải kê khai nộp thuế má gì nên có thể nhiều nghệ sĩ rất đam mê quảng cáo thực phẩm chức năng, dẫu rằng bản thân họ nhận thức được hành vi thổi phồng công dụng đó là sai sự thật".
Chiều 9/10, tại cuộc họp thường kỳ quý III-2023 của Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL, cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, vi phạm chuẩn mực và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức ứng xử được quy định trong bộ quy tắc ứng xử, nhất là về quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin tới công chúng, gây ảnh hưởng thì ngoài việc xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, các nghệ sĩ này sẽ được Bộ VHTTDL và Bộ Thông tin và Truyền thông đưa vào diện xem xét, kiểm soát trong quy trình xử lý. Tùy vào mức độ vi phạm, Bộ VHTTDL phối hợp cùng các cơ quan báo chí có quyết định kiểm soát hình ảnh cũng như sự hiện diện của cá nhân vi phạm đó trên các nền tảng thông tin đại chúng.