Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TP.HCM từ nay đến năm 2030. Vấn đề WHO báo động: Thế giới cứ 8 người thì 1 người bị béo phìĐỌC NGAY
Tình trạng thừa cân béo phì tại TP.HCM tiếp tục tăng ở mọi lứa tuổi
Tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ và người trưởng thành tại TP.HCM tiếp tục gia tăng đáng báo động. Điều này làm gia tăng nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm.
Theo UBND TP.HCM, sự gia tăng thừa cân béo phì kèm theo gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm như thói quen ăn mặn, ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực...
Kết quả điều tra năm 2020 ở người từ 18 - 69 tuổi tại TP.HCM cho thấy tỉ lệ ăn đủ rau, trái cây chỉ đạt 23% (toàn quốc 33%), thiếu hoạt động thể lực là 42,4% (toàn quốc 22,2%). Tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường lần lượt là 8,6% và 15,5%.
Tuy đạt so với mục tiêu chiến lược là dưới 12% và dưới 35%, song tỉ lệ béo bụng lên đến 38,4% (trong khi chỉ tiêu dưới 30%) và triglyceride (chỉ số mỡ máu) trong máu cao chiếm 50,8% (trong khi chỉ tiêu nhỏ hơn 40%).
Báo cáo cho biết một trong các nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân béo phì là do TP.HCM đang chịu tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường thực phẩm thay đổi. Việc tiếp cận thực phẩm và đồ uống không lành mạnh cũng tăng lên đáng kể cùng với các cửa hàng thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn giá rẻ.
TP.HCM đã đặt mục tiêu kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Cụ thể, kiểm soát tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở mức dưới 14%; trẻ 5 - 18 tuổi ở mức dưới 40% và người trưởng thành ở mức dưới 35% vào năm 2030.
Ngoài ra còn đặt mục tiêu lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (từ 15 - 49 tuổi) giảm xuống dưới 8 gram/ngày vào năm 2025 và dưới 7 gram/ngày vào năm 2030.
Chỉ có 66% bệnh viện người bệnh được can thiệp dinh dưỡng
Bên cạnh cảnh báo thừa cân béo phì, UBND TP.HCM cho biết khẩu phần ăn của người dân, dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, chống thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến, gồm vitamin A, sắt và i ốt đã được cải thiện đáng kể.
Công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2022, tỉ lệ bệnh viện tuyến TP có thành lập khoa/tổ dinh dưỡng là 100%; bệnh viện tuyến quận, huyện là 73% và bệnh viện tư nhân là 49%. 97% bệnh viện thực hiện phân loại và xác định chính xác nguy cơ suy dinh dưỡng của bệnh nhân khi nhập viện.
Tuy nhiên, chỉ có 66% bệnh viện người bệnh được can thiệp dinh dưỡng dựa trên kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Tỉ lệ bệnh viện cung cấp suất ăn bệnh lý cho từng đối tượng người bệnh đạt 56%, thấp nhất là bệnh viện tư nhân 33%.