Cái tâm của nghệ nhân
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống về nghề kim hoàn nổi tiếng xứ Quảng, nghệ nhân ưu tú Ngọc Minh đã lĩnh hội được tinh hoa văn hóa của ông cha và luôn tận tụy với nghề.
Tuy nhiên, khác với những người làm nghề trong vùng, ông Minh thiên về chế tác nghệ thuật nhiều hơn. Như lời ông nói, mỗi tác phẩm sinh ra là một kiệt tác, một câu chuyện của đời mình.
“Để có được một tác phẩm người nghệ nhân không chỉ có tài mà phải tâm huyết, yêu nghề thật sự. Hơn thế, sự tỉ mỉ, cẩn thận, đặc biệt nhẫn nại với những chi tiết cực nhỏ trong thủ công mỹ nghệ là điều cực kỳ quan trọng”, nghệ nhân Ngọc Minh chia sẻ.
Năm 2005, ông cho ra mắt bộ tranh Đến với Tâm về với Nhẫn gồm bức Bách tâm đồ có 100 chữ Tâm và bức Bách nhẫn đồ có 100 chữ Nhẫn. Mỗi chữ Tâm - chữ Nhẫn trong 100 chữ ấy là những biến thể khác nhau được điêu khắc tinh xảo bằng tay từ loại gỗ mứt quý hiếm. Mỗi bức cao 3,4m, rộng 1,8m.
Sau hơn một năm trời, tác phẩm hoàn thành trong sự khâm phục của mọi người. Càng vinh dự hơn khi vào năm 2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập tác phẩm của nghệ nhân ưu tú Ngọc Minh là Bộ tranh thủ công mỹ nghệ lớn nhất Việt Nam.
Sau đó không lâu, tại chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 21 năm 2011, nghệ nhân Ngọc Minh một lần nữa được vinh danh trong Sách kỷ lục Việt Nam với tác phẩm Quảng Nam Nhị Tú. Đó chiếc nhẫn bạc lớn nhất Việt Nam có đường kính 21cm, trọng lượng 1,2kg. Với một nghệ nhân như ông, không đơn giản chỉ làm nên một chiếc nhẫn cực lớn là xong, mà còn ở cách thể hiện phần hồn tác phẩm.
Ở Quảng Nam Nhị tú, người xem thật sự ngỡ ngàng bởi những đường chạm trổ cực kỳ ảo diệu về hình ảnh Chùa Cầu Hội An và Đền tháp Mỹ Sơn. Đây là 2 di sản mang đậm giá trị văn hóa xứ Quảng. Tác phẩm sử dụng kiểu chạm trổ ngược, từ trong ra ngoài chính vì thế tính thẩm mỹ của những chi tiết hoa văn càng trở nên sống động. Phía đỉnh nhẫn là viên đá quý màu trắng xanh cưa khắc với dòng chữ “Quảng Nam - Một điểm đến, hai Di sản văn hóa thế giới”, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Nhưng có lẽ để người ta nhớ đến nghệ sĩ Ngọc Minh nhiều nhất, phải kể đến tác phẩm phù điêu "Thiên Long Việt Đồ". Ông coi đây là đứa con tinh thần của mình. Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, câu chuyện rồng thiêng đất Việt một lần nữa được người nghệ sĩ kể lại càng thêm ý nghĩa.
Theo nghệ nhân xứ Quảng, "Thiên Long Việt Đồ" lấy cảm hứng từ biểu tượng rồng Việt cùng tình yêu quê hương, biển đảo, từ đó ông dày công chạm khắc 1.000 con rồng vàng với đủ hình dáng. 1.000 con rồng không có con nào giống con nào được sắp xếp cuộn mình từ bản làng thôn xóm cho đến 63 tỉnh thành cả nước tạo thành bức tranh bản đồ Việt Nam hóa thân hình rồng dáng vươn ra biển Đông.
Đỉnh đầu rồng là Hà Giang – điểm cực Bắc của Tổ quốc, đuôi rồng hướng về phía đất mũi Cà Mau. Tấm bản đồ vừa thể hiện giá trị xã hội rộng lớn, vừa thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc. Một mặt bản đồ là hình dáng con rồng trong tư thế bay lên, nói lên giấc mơ xưa của Vua Lý Thái Tổ cách đây 1.000 năm khi mơ thấy rồng vàng và quyết định dời đô từ Đại La về Thăng Long. Mỗi tỉnh, thành phố, huyện, thị, quần đảo, đảo… đều được thể hiện bằng hình ảnh mỗi con rồng tạo thành một chiếc vẩy rồng trong bức tranh tổng thể vô cùng sống động.
Nghệ nhân Ngọc Minh chia sẻ: “Đó thực sự là 1.000 tác phẩm tinh xảo. Các nghệ nhân đã phải làm việc tỉ mỉ suốt 5 đến 7 ngày mới có thể hoàn thiện được một con rồng nhỏ. Con rồng cuối cùng, con rồng thứ 1.000 với kích thước lớn nhất, được làm bằng chất liệu vàng 9999 và được ráp đúng vào vị trí Thủ đô Hà Nội – trái tim thân yêu của cả nước, được coi là linh hồn của cả tấm bản đồ”.
Tác phẩm cũng được ông trau chuốt với nhiều con số ý nghĩa như chiều rộng 3.26m tương ứng tỉ lệ một phần triệu 3.260km đường biển Việt Nam, con Kim Long tọa lạc vị trí Thủ đô Hà Nội được làm bằng vàng 9999 nặng 18 lượng tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng, trên thân rồng có tất cả 860 vảy rồng tượng trưng cho 86 triệu dân của Việt Nam chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long năm 2010. Chín đuôi rồng thể hiện hình ảnh 9 nhánh của dòng sông Cửu Long phía Nam Tổ quốc.
Ngoài ra, 28 răng rồng cũng được lấy theo con số Nhị thập bát tú, tương ứng với 28 vì sao sáng trên bầu trời Đông – Tây – Nam – Bắc.
"Thiên Long Việt Đồ" cũng hội tụ trong mình đầy đủ những yếu tố về mặt tự nhiên theo quan niệm của người phương Đông: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hai miếng kính chịu lực là hành Thủy. Tấm vải nhung đen là hành Thổ, tượng trưng cho đất, bản đồ Việt Nam được gắn và hình thành trên nền đất đó. 999 con mộc long là hành Mộc. Kim Long chất liệu vàng thật là hành Kim. Và 4 chữ "Thiên Long Việt Đồ" được hóa rồng viết bằng sơn màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa.
“Chắt chiu vẻ đẹp hiến dâng cho đời”
Năm 2010 Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác nhận, trao tặng cúp Kỷ lục quốc gia cho tác phẩm "Thiên Long Việt Đồ" của nghệ nhân ưu tú Ngọc Minh. Bên cạnh đó, tác phẩm này từng được trưng bày trong Tuần văn hóa du lịch Quảng Nam tại Thủ đô Hà Nội là sự kiện đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Theo nghệ nhân Ngọc Minh, ông ấp ủ, thai nghén "Thiên Long Việt Đồ" từ những năm 2000. Hồi đó ông đã sưu tập được 100 mẫu rồng nhưng vẫn chưa định hình được mình sẽ thực hiện ra một tác phẩm như thế nào. Phải đến năm 2007, khi cuộc vận động cả nước hướng đến 1000 năm Thăng Long được khởi xướng ông mới chính thức hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Dọc theo khắp chiều dài đất nước, bằng tâm nguyệt tha thiết của mình, nghệ nhân xứ Quảng đã tập hợp được 12 thợ kim hoàn, 4 thợ chạm trổ giỏi từ khắp các nơi: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hội An… về cùng làm trong xưởng chế tác.
Khó khăn lớn nhất chính là việc sưu tập các mẫu rồng có tạo hình không giống nhau. 1.000 con rồng là 1.000 mẫu hình khác nhau không trùng lặp, từ kích thước, bề ngang cho tới dáng dấp.
“Rồng là linh vật gắn liền với văn hóa người Việt. Rồng ẩn hiện trong hội họa, kiến trúc, trong văn thơ, điển tích… của người Việt rất nhiều. Tuy nhiên, để có 1000 mẫu rồng khác nhau lại không đơn giản chút nào. Những họa sĩ giỏi hiện nay có mời về họ cũng chỉ vẽ được 3 đến 5 mẫu rồng là hết ý tưởng. Vì thế, chúng tôi phải mất cả năm trời ròng rã, đi lang thang khắp nơi trên cả nước để sưu tầm và sao chép các hình dáng rồng”, nghệ nhân Ngọc Minh nói.
Dành nhiều thời gian tìm hiểu trên Internet, thư tịch cổ, trên mái chùa, đình, lăng mộ… cứ ở đâu có người báo có hình ảnh rồng lạ là ông Minh lại tìm đến nghiên cứu. Suốt 3 năm liền tìm kiếm, đội ngũ thợ kim hoàn của nghệ nhân xứ Quảng mới thực hiện bức tranh "Thiên Long Việt Đồ" dáng dấp 1.000 con rồng ưng ý.
Sưu tầm mẫu rồng đã vất vả, chạm khắc 1.000 con rồng theo mẫu cũng không hề đơn giản. Bởi có quá nhiều những chi tiết nhỏ, tinh xảo. Quá trình làm việc hình khắc bị gãy vụn, hư hỏng là đếm không xuể. Chưa kể để tạo những vảy rồng nhỏ, các nghệ nhân phải dùng mũi khoan loại nhỏ như sợi tóc, chỉ cần sơ ý là bị gãy.
Với riêng nghệ nhân Ngọc Minh, kỷ lục, bằng khen dường như không mấy quan trọng mà điều quý giá trong cuộc đời mỗi nghệ nhân cũng chỉ đọng lại trong đôi mắt người thưởng lãm hôm nay và mai sau đó là nghệ thuật, là tâm hồn.
Không chỉ đem tâm huyết phục dựng, phát triển thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghệ nhân ưu tú Ngọc Minh còn đưa những “đứa con” tinh thần của mình phục vụ cho xã hội, cho những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Như việc bộ tranh thủ công mỹ nghệ Đến với Tâm về với Nhẫn được ông bán đấu giá gây quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng.