Nhiều người không còn quá xa lạ với căn bệnh viêm dạ dày mãn tính bởi đây là loại bệnh có tỷ lệ mắc cao, triệu chứng bệnh tương đối nhẹ. Tuy nhiên, mọi người cũng đừng vì triệu chứng bệnh nhẹ mà coi thường viêm dạ dày mãn tính vì khoảng cách từ viêm dạ dày mãn tính đến ung thư dạ dày khá gần. Vì vậy, những bệnh nhân mắc viêm dạ dày mãn tính thì cần phải chú trọng điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu, nếu không khi bệnh tiếp tục phát triển có thể có nguy cơ dẫn đến ung thư.
Viêm dạ dày mãn tính là gì?
Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm cấp tính hoặc mãn tính. Nguyên nhân của viêm dạ dày cấp tính bao gồm căng thẳng, thuốc, rượu, chấn thương và các yếu tố thể chất khác; Nguyên nhân của viêm dạ dày mãn tính có thể là do nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori), do miễn dịch, trào ngược dạ dày-tá tràng, thoái hóa niêm mạc dạ dày.
Các triệu chứng phổ biến của viêm dạ dày bao gồm đau và khó chịu vùng bụng trên, căng tức bụng, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn và xuất huyết tiêu hóa. Trong trường hợp bị viêm dạ dày cấp, trường hợp nặng còn có thể nôn ra máu, mất nước, nhiễm toan hoặc sốc.
Ảnh minh hoạ: Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng viêm dạ dày.
Viêm dạ dày có thể biến thành ung thư dạ dày?
Quá trình chuyển từ viêm dạ dày đến ung thư dạ dày nhìn chung sẽ gồm các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1, viêm dạ dày mãn tính kéo dài: Ở giai đoạn này, vi khuẩn HP xâm nhập và gây kích ứng bên trong dạ dày, gây ra viêm loét dạ dày. Ở giai đoạn này, nếu người bệnh không tiến hành điều trị thì các vết loét có thể lan rộng ra.
Giai đoạn 2, viêm teo niêm mạc dạ dày: Khi người bệnh không tiến hành điều trị dứt điểm viêm dạ dày, các vi khuẩn HP sẽ phá hủy niêm mạc dạ dày, từ đó khiến lớp niêm mạc dạ dày bị bào mòn.
Giai đoạn 3, chuyển sản ruột ở dạ dày: Chuyển sản ruột ở dạ dày xảy ra khi các tế bào trong dạ dày thay đổi và có cấu trúc tương tự tế bào ruột. Nguyên nhân là do sự tương tác giữa vi khuẩn HP và thức ăn trong hệ thống tiêu hóa, từ đó tạo ra một số hóa chất khiến các tế bào biến đổi hình thái và cấu trúc.
Giai đoạn 4, chuyển thành ung thư dạ dày: Khi các tế bào trong dạ dày bị biến đổi thì sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các tế bào ung thư trong dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Hầu hết các bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào quá nặng khi bị viêm dạ dày. Các triệu chứng chủ yếu là khó tiêu, khó chịu vùng thượng vị, đầy bụng sau ăn nên nhiều bệnh nhân thường bỏ qua.
Quy tắc "3 nên - 3 tránh" phòng ung thư dạ dày
Nên ăn nhạt, tránh đồ ăn kích thích
Những thực phẩm có thể kích thích và gây ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày có thể kể đến như đồ hun khói, đồ chua, đồ ăn cay nóng, các chất kích thích như rượu bia, đồ ăn lạnh, đồ nhiều dầu mỡ, món ăn thô cứng như các loại hạt và đặc biệt là đồ ăn bị nấm mốc.
Ảnh minh hoạ: Ăn nhiều các món ăn chua, cay,... có thể khiến tình trạng viêm loét dạ dày trầm trọng hơn.
Một chế độ ăn thanh đạm có thể giảm gánh nặng cho dạ dày và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hoá. Mọi người nên chọn nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi chế biến các nguyên liệu nấu ăn nên lựa chọn phương pháp hấp, luộc, hầm để thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ tốt hơn.
Người mắc viêm dạ dày ở giai đoạn cấp tính có thể nhịn ăn tạm thời, sau khi tình trạng bệnh cải thiện thì nên ăn một số món ăn ở dạng lỏng như cháo loãng, sữa và nước trái cây. Sau khi tình trạng bệnh ổn định thì có thể cho người bệnh ăn cháo gạo, cháo trứng,... rồi mới từ từ ăn uống lại theo chế độ bình thường.
Nên ăn uống điều độ, tránh ăn kiểu lúc no lúc đói
Chức năng tiêu hóa của bệnh nhân mắc viêm dạ dày thường yếu hơn so với người bình thường. Vì vậy, mỗi bữa ăn, người bệnh không nên ăn quá nhiều, ăn quá no để tránh làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Mọi người chỉ nên ăn no khoảng 7-8 phần.
Bên cạnh đó, mọi người cũng nên chú ý sắp xếp công việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ tránh căng thẳng, áp lực thường xuyên khiến bệnh viêm dạ dày trở nặng.
Nên nhai chậm và tránh ăn quá no
Thức ăn không được nhai kỹ mà cứ thế nuốt xuống bụng hoặc thức ăn quá thô cứng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày. Do đó, khi ăn uống hãy nhai chậm khi ăn và tránh ăn quá no.
Ảnh minh hoạ: Ăn chậm, nhai kỹ giúp bảo vệ đường tiêu hoá và bảo vệ sức khoẻ của dạ dày.
Ngoài áp dụng 3 quy tắc ăn uống ở trên, mọi người cũng cần chú ý đến việc diệt trừ vi khuẩn HP. Theo một cuộc điều tra dịch tễ học, việc diệt trừ vi khuẩn HP trong dạ dày có thể giảm tới 39% tỷ lệ mắc ung thư dạ dày. Việc diệt trừ vi khuẩn HP sớm, trước khi bị teo niêm mạc dạ dày có thể ngăn ngừa gần như 100% khả năng mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, sau khi quá trình teo niêm mạc dạ dày xảy ra, việc diệt trừ khuẩn HP hầu như không giảm được nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Do đó, nếu bị nhiễm khuẩn HP, mọi người nên diệt trừ sớm HP càng sớm càng tốt để đề phòng bệnh viêm dạ dày chuyển biến xấu. Ngay cả khi bạn đã bị viêm teo dạ dày, việc diệt trừ khuẩn HP cũng có thể đảo ngược một phần bệnh hoặc ngăn không cho bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Nguồn: Toutiao, Health/Sina