Ông Lưu, Trung Quốc, năm nay 55 tuổi, luôn thích làm mọi việc thật nhanh chóng, đặc biệt là trong chuyện ăn uống. Mỗi bữa ăn, ông thường chỉ mất năm phút. Sau bữa ăn, ông còn có thói quen uống một cốc nước nóng bỏng với lý do để hỗ trợ tiêu hóa.
Khoảng ba tháng trước, ông Lưu nhận thấy cổ họng bị khô rát, trong cổ họng như thể có dị vật mắc lại khiến việc nuốt thức ăn rất khó khăn. Lúc đầu, ông Lưu nghĩ rằng mình bị viêm họng nên đã tự mua một số loại thuốc kháng viêm về uống nhưng tình trạng bệnh vẫn không cải thiện. Sau đó, ông Lưu đã đến bệnh viện khám và được chẩn đoán có khối u nằm sâu trong thực quản, kết luận là ung thư thực quản giai đoạn giữa và phải phẫu thuật ngay.
Trên thực tế, có rất nhiều người giống như ông Lưu, thường nhầm lẫn dấu hiệu của ung thư thực quản là triệu chứng của viêm họng, ông Lưu may mắn khi phát hiện bệnh khi vẫn ở giai đoạn giữa, sau khi điều trị đã khỏi bệnh và được xuất viện.
Ung thư thực quản là gì?
Ung thư thực quản là một khối u ác tính của hệ thống tiêu hóa và là một trong những khối u ác tính gây nguy hiểm cho sức khỏe của mọi người. Đa số các trường hợp mắc ung thư thực quản thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.
Nếu ung thư thực quản phát triển đến giai đoạn giữa thì tỷ lệ sống 5 năm là khoảng 50 - 60%, còn khi bệnh đã bước vào giai đoạn cuối thì tỷ lệ sống 5 năm chỉ còn 3 - 5%. Do đó, phát hiện sớm ung thư thực quản hoặc giảm nguy cơ ung thư thực quản là chìa khóa để cải thiện sức khỏe của con người.
Ảnh minh họa: Ung thư thực quản là một khối u ác tính của hệ thống tiêu hóa.
Viêm họng mãn tính là gì?
Viêm họng mãn tính là bệnh lý thường gặp ở đường hô hấp trên. Bệnh thường xảy ra khi quá trình viêm họng cấp tính lặp lại nhiều lần và không đáp ứng với các thuốc điều trị. Bệnh thường kéo dài khoảng trên 1 tuần. Bệnh rất dễ tái phát, tình trạng viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm dần khả năng miễn dịch của người bệnh, thậm chí có thể gây ra một số biến chứng khác.
Theo số liệu do tờ Life Times, Trung Quốc công bố, khoảng 60 - 70% người Trung Quốc bị viêm họng ở các mức độ khác nhau, trong đó tỷ lệ mắc bệnh viêm họng mãn tính đã lên tới 30 - 50%.
Trên thực tế, viêm họng mãn tính và ung thư thực quản vẫn có một số triệu chứng khá giống nhau khiến nhiều người chủ quan, nhầm lẫn nên đã bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất.
Phân biệt ung thư thực quản và viêm họng
1. Dấu hiệu nhận biết viêm họng mãn tính
- Đau họng: đây là triệu chứng phổ biến nhất. Đau họng kéo dài nhiều tuần, kèm theo nóng rát, ngứa, khô khan và cảm giác vướng ở họng. Triệu chứng xuất hiện rõ nhất là vào buổi sáng sớm.
- Nuốt khó, nuốt đau: Khi nuốt thức ăn bệnh nhân sẽ cảm thấy bị đau rát ở họng.
- Ho kéo dài, khạc đờm thường xuyên.
- Thay đổi giọng nói, khàn giọng.
- Nóng rát ở vùng ngực phía sau xương ức, ợ hơi, ợ chua ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản.
2. Dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản
- Nuốt nghẹn: Cảm giác thức ăn bị vướng trong thực quản và có thể bị nôn. Thường khi có nuốt nghẹn thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
- Nôn: Triệu chứng này thường xuất hiện khi biểu hiện nuốt nghẹn đã rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không lẫn dịch vị, có thể có ít máu trong chất nôn.
- Tăng tiết nước bọt: Triệu chứng nuốt nghẹn xuất hiện thường xuyên khiến nước bọt hầu như không xuống được dạ dày, bệnh nhân luôn phải nhổ nước bọt.
- Sụt cân: Bệnh nhân gầy sút, suy kiệt, thiếu máu.
- Triệu chứng khác: Khi khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng khó thở, ho, sặc, khàn tiếng, đau (đau khi nuốt, cảm giác nặng, tức sau xương ức khi nuốt, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị).
Ảnh minh họa: Ung thư thực quản có thể khiến bệnh nhân thấy khó thở, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị,...
Làm gì để phòng ung thư thực quản?
Một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện trên 16.000 người kết luận rằng chế độ ăn uống không hợp lý là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư thực quản ở Trung Quốc. Do đó, mọi người cần hạn chế những điều sau để phòng tránh ung thư thực quản:
1. Hạn chế ăn đồ ăn quá nóng
Ăn thức ăn quá nóng là một trong những thói quen xấu cần phải sửa ngay bởi thực phẩm có nhiệt độ trên 65°C đã được WHO xác định là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Nhiệt độ tối đa mà khoang miệng và thực quản của chúng ta có thể chịu được là 50 - 60°C. Nhiệt độ cao vượt trên mức này có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản, có thể dẫn đến tình trạng loạn sản tế bào (tế bào phát triển bất thường), làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Ảnh minh họa: Ăn đồ ăn quá nóng là một trong những thói quen gây ảnh hưởng đến thực quản.
2. Ăn nhiều đồ mặn
Thức ăn quá mặn, chứa nhiều muối có thể kích thích và gây tổn thương mãn tính cho niêm mạc thực quản, dễ gây tăng sinh và thoái hóa tế bào biểu mô niêm mạc, tăng nguy cơ ung thư thực quản.
3. Uống rượu và hút thuốc lá
Rượu và thuốc lá đã được xác định là tác nhân gây ung thư, và những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp đôi so với những người không hút thuốc.
Tỷ lệ mắc ung thư thực quản ở người uống rượu và hút thuốc lá cao gấp từ 7-50 lần so với nhóm không uống rượu, không hút thuốc.
Tóm lại, khi thấy trên cơ thể có những dấu hiệu bất thường, mọi người không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện hoặc cơ sở uy tín để thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời. Đồng thời, trong cuộc sống hàng ngày cần thay đổi một số thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc ung thư vì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.
Nguồn: Toutiao
Rối loạn cương dương - Chuyện nhạy cảm của quý ông
Rối loạn cương dương không còn là điều hiếm gặp và là nỗi ám ảnh thầm kín của các quý ông. Tuy nhiên, những trở ngại về tâm lý lại khiến đa số cánh mày râu không đi khám hoặc loay hoay tìm cách tự chữa khiến tình trạng bệnh có thể nặng hơn.
Để hiểu rõ hơn về rối loạn cương dương, triệu chứng và những cách phòng ngừa, mời độc giả đón xem buổi tọa đàm trực tuyến của chương trình "Chuyện khó có bác sĩ".
Chương trình sẽ được phát sóng vào 20h, Chủ nhật, ngày 08/05/2022 trên fanpage của Soha.vn , Bác sĩ Lương, Soha Sống vui - sống khỏe , MXH Lotus, Kinglive với sự tham gia tư vấn của BS Nguyễn Thế Lương - Phó Giám Đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, một người "chuyên trị" các căn bệnh khó nói của quý ông.