Uống 30 viên thuốc mỗi ngày, người đàn ông 84 tuổi rơi vào nguy kịch

Uống 13 loại thuốc với 30 viên mỗi ngày để điều trị các bệnh lý khác nhau, tương tác bất lợi của thuốc khiến tình trạng sức khỏe ông Sơn nguy kịch.

Ông Nguyễn Văn Sơn (84 tuổi) tới khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng bệnh nặng; biểu hiện khó thở, phù toàn thân gây hạn chế vận động, đi tiểu ít và khó, bụng chướng, táo bón, không ăn được.

Ths.BS Hà Tuấn Hùng, Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp cho biết ông Sơn có tiền sử đa bệnh lý: suy tim, rung nhĩ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phì đại tiền liệt tuyến, parkinson… Người bệnh trong tình trạng nặng do suy thận tăng lên (giai đoạn 4), có đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, nhịp tim không đều, đi tiểu khó do phì đại tiền liệt tuyến, tiểu ít đi, nhịp thở nhanh, phổi có nhiều ran. Bên cạnh đó, xét nghiệm còn cho thấy bệnh nhân kèm theo rối loạn điện giải nặng.

Trong quá trình hỏi bệnh sử, các bác sĩ xác định trước đó bệnh nhân đã sử dụng lượng thuốc lớn với 13 loại thuốc, 30 viên thuốc mỗi ngày. Bên cạnh việc đưa ra chẩn đoán, các bác sĩ nhận định bệnh nhân sử dụng quá nhiều thuốc hoặc có những loại thuốc tương tác bất lợi làm tình trạng suy thận nặng lên khiến bệnh nhân tiểu ít đi, phù to, tràn dịch đa màng và gây rối loạn điện giải nghiêm trọng.

Một buổi hội chẩn đa chuyên khoa gồm các bác sĩ nội tổng hợp, thận tiết niệu, tim mạch, hô hấp… đặc biệt có dược lâm sàng cùng phối hợp được triển khai đánh giá về tình trạng của bệnh nhân, cũng như xem xét và điều chỉnh các thuốc người bệnh đang sử dụng. Mục tiêu là đánh giá và cân nhắc thuốc nào cần được ưu tiên, thuốc nào tương tác với nhau cần thay thế và giảm thiểu các loại thuốc không cần thiết.

Uống 30 viên thuốc mỗi ngày, người đàn ông 84 tuổi rơi vào nguy kịch - Ảnh 1.

Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc khiến cụ ông nguy kịch. Ảnh: BVCC.

Sau khi có kết luận hội chẩn, với sự phối hợp của dược lâm sàng, các bác sĩ đã nhanh chóng xác định được có 2 cặp thuốc tương tác bất lợi làm suy giảm chức năng thận nhanh và gây rối loạn điện giải để tư vấn thay thế bằng thuốc khác. Kết quả số thuốc bệnh nhân phải uống trong ngày giảm xuống ⅔ chỉ còn 10 viên với 7 loại thuốc cần dùng thay vì 13 loại như trước đây. Như vậy, có nhiều loại thuốc được loại đi hoặc thay thế mà vẫn giữ nguyên hiệu quả điều trị, an toàn cho người bệnh. Các bác sĩ cũng thay thế những loại thuốc có hình dáng dễ nuốt, mềm hơn cho người bệnh cao tuổi.

Tiến sĩ – Bác sĩ Cao cấp Mai Thị Hiền, Phó trưởng khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học cho biết sau 2-3 ngày điều chỉnh thuốc bằng cách tối ưu hiệu quả các loại thuốc, giảm số lượng và thay thế thuốc, tình trạng sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt. Chức năng thận của ông Sơn được cải thiện rõ rệt, người bệnh đi tiểu tăng về số lượng, giảm tình trạng tiểu khó, hết phù, dịch các màng giảm hết, tình trạng rối loạn điện giải đã hết, người bệnh tỉnh táo và nhanh nhẹn, ăn uống ngon miệng hơn trước.

Cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc

Tiến sĩ Mai Thị Hiền chia sẻ thêm, với bệnh nhân là người cao tuổi nhiều bệnh lý nền, các bác sĩ khám kê đơn luôn phải cẩn trọng khi hỏi tiền sử bệnh tật cũng như những thuốc bệnh nhân đang sử dụng để tránh sự chồng chéo hoặc tương tác thuốc bất lợi gây ảnh hưởng chức năng thận. Người đưa bệnh nhân cao tuổi đi khám cũng cần kể bệnh sử và các đơn thuốc, loại thuốc người bệnh đang sử dụng cho bác sĩ điều trị.

Dược sĩ Nông Thị Thanh Phương, khoa Dược, Tổ trưởng phụ trách thông tin thuốc và dược lâm sàng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cũng khuyến cáo những đối tượng cần đặc biệt cẩn trọng hơn khi kê đơn là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính điều trị dài ngày, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. "Người bệnh cũng cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng lạm dụng hoặc sử dụng bừa bãi thuốc", dược sĩ Thanh Phương nhấn mạnh.