Vì sao ngự thuyền tiền tỷ huyền thoại ở Huế “kén” người mua?

Nguyên nhân khiến ngự thuyền Long Quang ở Huế sau 2 lần thông báo đấu giá thanh lý tài sản vẫn chưa tìm ra chủ mới.

Long Quang là một ngự thuyền Cung Đình huyền thoại được trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phục hồi vào năm 2008 với tổng kinh phí thời điểm đó hơn 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù thanh lý với giá khởi điểm 1.907.550.000 đồng và đã tổ chức thông báo đấu giá 2 lần nhưng chiếc ngự thuyền này vẫn chưa có chủ mới.

Ngoài lý do giá khởi điểm cao, còn có nhiều nguyên nhân khiến ngự thuyền Long Quang “kén” người mua.

Văn hoá - Vì sao ngự thuyền tiền tỷ huyền thoại ở Huế “kén” người mua?
Văn hoá - Vì sao ngự thuyền tiền tỷ huyền thoại ở Huế “kén” người mua? (Hình 2).

Ngự thuyền Long Quang hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, ngự thuyền Long Quang được đầu tư đã hoàn thành mục tiêu về giá trị văn hoá sau 3 kỳ Festival nhưng từ năm 2012, một số hạng mục trên thuyền đã bị xuống cấp theo thời gian. Và dù đã cho nhiều đơn vị thuê để khai thác các dịch vụ phát huy giá trị kinh tế nhưng ngự thuyền này vẫn hoạt động không hiệu quả, các đơn vị liên tiếp phải bù lỗ.

Về hiện trạng của ngự thuyền, hiện đã xuống cấp với phần thân vỏ có một số điểm gỗ bị mục, lớp sơn bảo vệ của tàu bị bong tróc. Lan can, boong 2 bên mạn thuyền bị mục, không đảm bảo liên kết với phần thân tàu.

Ngoài ra phần cầu thang gỗ lớp sơn bong tróc, có các điểm hở giữa các mối nối. Trần la phông ẩm mốc, bong tróc. Lớp gạch men bên trong tàu bị mòn, trầy xước.

Trang thiết bị động lực cũng có dấu hiệu xuống cấp, một số chi tiết máy bị gỉ sét. Hệ thống điện xuống cấp, không có hoặc thiếu các thiết bị điện, không đảm bảo an toàn. Các trang thiết bị tời, neo, lái, thiết bị trên boong, có dấu hiệu cũng bị gỉ sét xuống cấp.

Đặc biệt, để vận hành chiếc ngự thuyền này, mỗi năm phải đóng chi phí bảo hiểm, đăng kiểm và thuê người trông coi lên tới 300 triệu đồng.

Không chỉ vậy, chia sẻ từ lãnh đạo trung tâm Di tích Cố đô Huế, phần đáy của ngự thuyền, thời điểm phục hồi được thiết kế cho khu vực nước sâu, không phù hợp với các bến thuỷ trên sông Hương là khu vực nước nông nên có thể bị mắc cạn khi cho thuyền vào neo đậu.

Để thu hút người tham gia đấu giá mua ngự thuyền Long Quang, lãnh đạo trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ, sẽ xin ý kiến của UBND tỉnh, tiếp tục đấu giá với phương án hạ thấp giá trị tài sản.

Như trước đó, Người Đưa Tin đã đăng tải về số phận long đong của ngự thuyền Long Quang, một chiếc thuyền được phục hồi từ năm 2008 dựa trên nguyên bản ngự thuyền Tế Thông thời nhà Nguyễn, dài 27m, rộng 7,2m, phần nổi trên nước cao 4,2m với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng.

Sau nhiều năm cho một số đơn vị thuê khai thác nhưng hoạt động không hiệu quả, mới đây, trước việc con thuyền xuống cấp, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với công ty đấu giá hợp danh Chuỗi Giá Trị tổ chức đấu giá tài sản, thanh lý chiếc thuyền cùng hệ thống PCCC và máy phát điện trên thuyền với giá khởi điểm là 1.907.550.000 đồng. 

Trải qua 2 lần thông báo đấu giá, chiếc ngự thuyền tiền tỷ này vẫn chưa tìm được chủ mới và hằng ngày vẫn neo đậu “cô đơn” trên bến Nghinh Lương Đình, sông Hương.

Lê Kông