Xét tuyển ngành sức khỏe có môn Ngữ văn: Không phản khoa học nhưng tránh lạm dụng

Trong năm 2023, nhiều trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y đa khoa. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách thức tuyển sinh này.

Xét tuyển ngành sức khỏe có môn Ngữ văn: Không phản khoa học nhưng tránh lạm dụng - Ảnh 1.

Sinh viên ngành Y đa khoa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) trong giờ học thực hành

Nhiều trường xét tổ hợp có môn Ngữ văn, Lịch sử

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm 2023 cả nước có 27 trường đại học (ĐH) đào tạo khối chuyên ngành sức khỏe, trong đó có 4 trường dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển. Cụ thể: Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) xét tuyển ngành Y đa khoa bằng 3 tổ hợp truyền thống A00, B00, D08 và 1 tổ hợp mới D12 (Ngữ văn, Hóa học và Anh ngữ); Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (Toán học, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển ngành Y đa khoa (từ năm 2020, Trường ĐH Võ Trường Toản đã xét tuyển ngành Y đa khoa bằng tổ hợp Toán - Sinh - Văn; ngành Dược học xét tuyển tổ hợp Toán - Hóa - Văn); Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) xét tuyển ngành Y đa khoa bằng 4 tổ hợp: A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn), B00, D90 và D08.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có các ngành kỹ thuật và các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật y học xét nghiệm cũng đưa tổ hợp các môn Địa lý, Giáo dục công dân để xét tuyển… Hay tại Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, ngành Dược học và Điều dưỡng xét tuyển tổ hợp C08 (Văn, Hóa, Sinh); Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương) xét tuyển ngành Dược học, Điều dưỡng với tổ hợp Toán, Hóa, Lịch sử. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) sử dụng môn Ngữ văn làm tiêu chí phụ để xét tuyển sinh viên cho ngành Y đa khoa trong trường hợp thí sinh bằng điểm.

Quan trọng là chất lượng đào tạo

TS Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, Trường ĐH Văn Lang, nêu ý kiến: “Tôi có hơn 40 năm học tập, nghiên cứu về y khoa, hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, cả trong và ngoài nước, ngày càng cao.

Việc chọn tổ hợp có môn Ngữ văn để tuyển chọn người có năng lực phù hợp là vấn đề phải đổi mới. Yêu cầu đầu tiên để xét tuyển theo quy định là phải đạt học lực giỏi năm lớp 12, sau đó mới xét tuyển tiếp. Việc trường mở rộng thêm môn Văn và Ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội với người học ngành y.

Thực tế xã hội ngày nay đòi hỏi bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, tâm lý, biết chia sẻ với người bệnh và cộng đồng. Những tố chất của người học giỏi môn Văn rất cần thiết cho công việc này”.

Trong khi đó, PGS-TS Lý Văn Xuân, giảng viên đào tạo sau đại học (ngành Y đa khoa), Trường ĐH Y Dược TPHCM, phân tích: “Đầu vào chỉ là yêu cầu bước đầu, còn quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo của các cơ sở mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng môn Văn kết hợp với Toán, Hóa, Sinh để xét tuyển ngành Y đa khoa, Dược học, Răng hàm mặt... cũng không có gì phản khoa học, nhưng cần tránh lạm dụng. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của đào tạo ngành Y đa khoa là chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, điều kiện thực hành, thực tập. Một bác sĩ học 6 năm ra trường, chưa làm được gì mà phải thêm 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề, rồi học các chuyên khoa thì mới có thể làm việc độc lập được.

Trong khi đó, ở các nước như Mỹ, Nhật, Australia, họ tuyển ngành y sau khi tốt nghiệp đại học, và để lấy bằng bác sĩ phải mất ít nhất từ 11-14 năm. Nói như vậy để thấy rằng, đầu vào của ngành y chỉ là một phần, còn yếu tố quyết định phải là chất lượng của quá trình đào tạo, ý thức người học”.

Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, tuyển sinh ĐH ở Việt Nam từ rất lâu chia năng lực học sinh thành 4 khối chính A, B, C, D để tuyển chọn người học là cách tuyển sinh khô cứng. Hậu quả là không ít cá nhân có năng lực và phẩm chất phù hợp bị mất cơ hội học tập, làm việc trong ngành y. Cách tuyển sinh y khoa của Mỹ hiện nay là học sinh học hết phổ thông sẽ trải qua kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test - kỳ thi kiểm tra năng lực của học sinh để xét tuyển vào một số trường ĐH ở Mỹ) hoặc ACT (American College Testing - kỳ thi đầu vào của học sinh để xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng ở Mỹ), trong đó có môn đọc và viết, gần giống như ở Việt Nam gọi chung là môn Ngữ văn. Sau khi tốt nghiệp cử nhân và nếu qua lớp dự bị y khoa thì có thể học y. Các khóa dự bị y khoa có cả sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ, Tâm lý học, Xã hội học...

Vấn đề không hẳn là môn học nào, mà là tuyển sinh ra sao và sau đó đào tạo như thế nào để cung cấp cho xã hội những bác sĩ vững vàng về chuyên môn và đáng tin cậy về y đức. Để minh chứng nhà trường đào tạo có chất lượng hay không, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và cả các trường đào tạo ngành y nên nghiên cứu để có một kỳ thi sát hạch, nếu trường nào mà 100 cử nhân y khoa nhưng chỉ có vài em qua được kỳ thi này thì rõ ràng chất lượng có vấn đề.

Đại diện các trường ĐH có sử dụng môn Ngữ văn, Lịch sử trong tổ hợp để xét tuyển ngành Y đa khoa, Dược học, Điều dưỡng... đều cho rằng việc này là cần thiết vì khả năng truyền đạt, sự cảm thông, chia sẻ là những yếu tố cần có ở một bác sĩ. Tuy nhiên, không ít bác sĩ và giảng viên y khoa cho rằng việc này chỉ nhằm mục đích nhà trường dễ tuyển sinh.