Quãng năm 1994 thì phải, khi đó Quang đang là phóng viên trẻ của tờ Pháp luật và Đời sống, tờ báo nằm trên con phố cũ, phòng ốc tối và chật. Nhưng với đội mới ra trường vài năm như chúng tôi, lại không phải dân học báo thì việc được làm phóng viên ở đó cũng đã là một diễm phúc.
Quang, lính mới nhưng đã được ông Ngô Tất Hữu bấy giờ là Tổng biên tập tin cậy giao cho chân chạy kiểu lính đặc nhiệm, chuyên viết phóng sự đinh cho báo và “cấp cứu” lấp chỗ khi có bài bị đổ. Ông Hữu dòng nhà Ngô Tất Tố (thấy ông khoe vậy) có khác, dùng người chuẩn không phải chỉnh…
Cứ thế Quang lướt con Suzuki biển xanh tơi tả tòng tọc khắp các cung đường lấy tin, viết bài. Có hôm con xe oằn mình kẹp ba thằng ngồng ngộc ngược chiều gió như cố trốn khỏi cái thực tại nghèo của mấy thằng phóng viên trẻ. Tết năm đó, Quang rủ tôi cộng tác chung một bài báo Tết. Về lục lọi những gì đã viết gửi Quang, có bài chủ yếu dựa vào nguồn kiến thức tổng hợp về âm nhạc. Ít ngày sau Quang chuyển cho một bài viết dung lượng “khủng” phải đến hơn hai nghìn chữ với cái tên nghe rất sến: Âm nhạc, nhịp đập trong trái tim lớp trẻ.
Bài viết là sự kết hợp những thông tin âm nhạc từ tôi với hơi thở phóng sự của Quang cập nhật từ những sân chơi âm nhạc Hà Thành. Bài được in đẫy tràn trang khổ to. Quang phi con xe cũ đến cơ quan tôi khoe rối rít và đương nhiên hai thằng bạn chung ghế Ngữ văn Tổng hợp Hà Nội cùng một vài chiến hữu được dịp “phá tan tành” mấy đồng nhuận bút còi trong một góc quán tối mù đặc chất sinh viên. Hể hả lắm, cho đến lúc ông chú Quang, một nhà báo nổi tiếng của một tờ nổi tiếng sau khi “nhăn nhó” đọc hết trang đầy chữ là chữ buông câu lạnh lùng: Bài bọn mày, nửa phóng sự, nửa tiểu luận. Câu “mắng” đó làm chợt lớn mấy thằng ti toe viết lách. Sau đợt đó Quang khác hẳn, viết, tìm đề tài kỹ và chất hơn. Quang xông xáo biết tận dụng những mối quan hệ xã hội với cách thức của một phóng viên trẻ sớm bộc lộ sự quảng giao của mình. Thời gian Quang dành nhiều cho các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc. Nguồn đề tài ào đến từ những cuộc “chơi ra chơi, làm ra làm” như thế.
Xuân Quang tập trung dành nhiều tâm huyết cho Phóng sự và dần dà có “thương hiệu” riêng với ba lợi điểm: Gen gia đình, môi trường đại học và đặc biệt là sau tờ khởi sự được chuyển sang tờ báo uy tín bậc nhất lúc bấy giờ: tờ Lao động với trùng trùng điệp điệp đội quân viết có số má. Hồi ấy Lao động khổ to, riêng phóng sự được “rành rành định phận” nửa trang lớn, thành một trong những “địa chỉ” đọc không thể bỏ. Trang báo đó nuôi lớn những Vĩnh Quyền, Đức Chính, Đặng Bá Tiến, Huỳnh Dũng Nhân, Trần Đăng, Nguyễn Quang Vinh, Lưu Quang Định, Ngô Mai Phong, Đỗ Quang Hạnh, Lê Thanh Phong… Và đương nhiên lứa trẻ có những Xuân Quang, Hoàng Văn Minh, Nhật Anh, Đỗ Doãn Hoàng, Tri Thức, Quảng Hà, Thanh Hải…
Quang giỏi trong việc tạo không khí cho phóng sự, không thuần túy số liệu, thông tin mà luôn có cảnh huống. Dẫn dắt câu chuyên là những nhân vật thực - hư hòa nhuyễn, khi đan cài, lúc trung tâm; khi nhân vật của báo chí, lúc lại ngỡ như trong truyện. Âu cũng là thành công khi anh “đẩy” được người đọc vào chốn hư chiêu. Đọc thấy hay, thú vị mà không cần phải định rõ tính thể loại. Bút pháp kiểu này Quang như ảnh hưởng từ đàn anh chung báo mà anh trân quý: Huỳnh Dũng Nhân với những Con đường bia bọt, Tôi đi bán tôi... Quang “giam” người đọc lại ngay từ những cái tít ấn tượng, kiểu như: Ngư Lộc góa bụa, Mai Châu chân đất, Trôi cả Mường Lay, Tom chát Phủ Giầy, Thày trò cùng… hít… Ngó tít không thể không đọc nội dung!
Mừng Địa chấn - Xuân Quang “rung” trở lại sau nhiều động viên của bè bạn. Cũng chả mong nó bung một tiếng vang lớn sau nhiều năm “ẩn dật”, giấu mình. Chỉ cần nó âm ỉ cháy nguồn năng lượng đã được đốt sáng từ lâu. Cũng phải, sau những thành công nhất định, ai cũng cần lọc rửa làm mới mình. Và cơn địa chấn đó, từ trong thôi thúc và nghiền ngẫm chính mình mới đáng để độc giả và đồng nghiệp trân trọng.
Trần Nhật Minh
(Trưởng ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam)