Ngày 24/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, 24 giờ qua, các bệnh viện trên địa bàn thành phố ghi nhận 56 ca mới mắc COVID-19, trong số đó có 42 ca nhập viện. Thành phố hiện có 180 ca đang điều trị. Dù chưa ghi nhận ca bệnh nặng và tử vong do dịch COVID-19 nhưng có tới 57 bệnh nhân đang phải hỗ trợ hô hấp.
Ngành y tế khuyến cáo cộng đồng tuân thủ quy định 2K và tiêm vắc xin để ngừa COVID-19. Ảnh: Vân Sơn
BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC, cho biết, theo số liệu thống kê, khoảng 1 tháng qua, các trường hợp mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại trên địa bàn thành phố. Nếu tháng 3 trung bình mỗi ngày thành phố chỉ ghi nhận từ 1 - 3 ca mắc thì sang nửa đầu tháng 4 đã tăng lên trên dưới 10 trường hợp mỗi ngày. Hiện nay số ca mới mắc trong một ngày đã tăng lên trên dưới 50 trường hợp. Dự báo, số bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng thời gian tới, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
“Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát dưới sự theo dõi chặt chẽ của ngành y tế TPHCM. Trên thực tế, qua lấy mẫu bệnh phẩm giám sát dịch bệnh ngoài cộng đồng, thành phố vừa ghi nhận thêm nhiều biến thể mới của Omicron. Cụ thể, tuần qua HCDC đã lấy 13 mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng để tiến hành kiểm tra. Kết quả giải mã trình tự gien phát hiện 11 trong 13 mẫu giám sát dịch tễ là biến thể phụ mới, ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại thành phố gần đây (XBB.1.5), còn có 7 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác bao gồm: XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1” - bác sĩ Tâm thông tin.
Theo HCDC, XBB.1.5 hiện là biến thể trội trên thế giới, 3 biến thể phụ mới phát hiện tại thành phố cũng đã có mặt tại nhiều quốc gia. Các biến thể trên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm những biến thể đáng quan tâm hoặc biến thể cần được theo dõi. Điều đáng lo ngại là biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi. Biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang là nguyên nhân dẫn tới làn sóng ca mắc COVID-19 tăng cao tại Ấn Độ.
“Những người được tiêm ngừa hoặc đã mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM ở mức cao nên thời điểm cuối năm 2022 kháng thể cộng đồng đạt tới 98,7%. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đến nay kháng thể trong cộng đồng xuống còn 94,17%”, BS Tâm nói.
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho rằng, sự xuất hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới đã dẫn tới hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 ở TPHCM và ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ tăng theo nhu cầu đi lại của người dân. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, Sở đã kích hoạt trở lại chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của dịch COVID-19.
Theo đó, từ nay đến ngày 30/6, ngành y tế thành phố sẽ cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ. Các cơ sở y tế sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo 90% người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn được tiêm mũi nhắc lại lần 2. Tất cả người sống chung với người thuộc nhóm nguy cơ phải được tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều để hạn chế lây lan.