Trong 12 con giáp, rồng đứng hàng thứ 5, là loài vật duy nhất ra đời từ trí tưởng tượng phong phú của người xưa.
Tuy không gắn bó thiết thân với nông dân, nông nghiệp và nông thôn suốt trường kỳ lịch sử như chó, gà, lợn, trâu… nhưng rồng đã đồng hành cùng loài người hàng nghìn năm, biểu trưng cho quyền lực và uy danh tuyệt đối. Qua những hình ảnh, hình tượng rồng, chúng ta có thể phần nào hình dung được một nền văn hóa dân tộc phong phú, giàu bản sắc.
Linh vật trong văn hoá người Việt
Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Người Đưa Tin đã có trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng về ý nghĩa hình ảnh con rồng trong tâm thức người Việt.
Trên thực tế rồng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, nhưng rồng của người Việt vẫn có những nét riêng so với các nơi khác.
Tới nay vẫn không có được bằng chứng vật thể nào để có thể hình dung vóc dáng, dung mạo rồng mà cư dân các làng xã Lạc Việt vẫn truyền đời ấp ủ trong tâm thức.
Nhưng có thể chắc chắn, hình rồng thể hiện sống động trong văn hoá của người dân khi dưới những tập tục xưa như đóng khố cởi trần, xăm mình, vui hội làng bơi chải và đấu vật thưở trước, thì hình tượng rồng vẫn hiển hiện sống động.
“Điểm nổi bật rõ nhất là hình ảnh rồng Việt Nam thường thấy là đang ngậm ngọc, với ý nghĩa “nhả ngọc phun châu”, khác với rồng Trung Quốc là cầm ngọc ở chân. Có những giai đoạn rồng của Việt Nam rất mềm mại nhỏ nhắn, hiền hoà, phù hợp với hình ảnh của đất nước, thanh binh, yên ả”, bà Nguyễn Ánh Hồng cho biết.
Như hình rồng dưới thời Lý mềm mại uyển chuyển nhưng rất gần gũi, hiền lành vì được bao bọc trong những lá đa, lá đề, hoa sen.
Rồng Lý thân tròn dài mềm mại, uốn 12 khúc tượng trưng 12 tháng trong năm, tạo dáng uyển chuyển, biến hóa, bay. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch, đều đặn. Đầu có bờm dài, râu cằm, không sừng.
“Rồng triều Lê mạnh mẽ hơn vì giai đoạn này chúng ta đã giải thoát ra khỏi ảnh hưởng của đạo Phật và hướng tới ảnh hưởng của Nho giáo”, chuyên gia văn hoá bày tỏ.
Ở thời này, rồng đầu to, bờm lớn ngược ra sau, chiếc mũi to thay thế mào lửa. Thân trông nặng nề bởi chỉ còn lượn hai khúc lớn. Chân mọc năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn.
Linh vật này được xuất hiện của nhiều nền văn hoá trên thế giới, ở phương Tây có rồng mang tính thiện và rồng mang tính ác như rồng lửa, rồng nước. Rồng trở thành đối thủ để các chiến binh thể hiện sức mạnh của mình. Ở văn hoá phương Đông rồng còn gắn với quyền lực một đế vương.
“Hình ảnh rồng là biểu tượng của sức mạnh, phát triển, sung túc, quyền uy. Nhưng trên hết trong văn hoá Việt Nam rồng là biểu tượng của phúc, lộc. Rồng là vật linh được linh thiêng hoá để trở thành vị thần che chở, bảo vệ cho đời sống của con người”, bà Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ.
Rồng của Việt Nam cũng gắn liền với nguồn gốc “con rồng, cháu tiên”, biểu trưng của nguồn cội, của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, đây cũng là một hình tượng rất gần gũi, bình dị trong đời sống văn hoá dân gian, trong những điệu múa rồng, múa lân, trong các công trình kiến trúc đền, đình, chùa, miếu, ở các thiết chế văn hoá bình dân mang dấu ấn của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Không nên chấp mê, bất ngộ vào việc đẻ con năm rồng
Chính những ý nghĩa Rồng được xem là con vật linh thiêng, quyền lực. Do đó, người ta quan niệm sinh con trong năm rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả gia đình, đặt nhiều kỳ vọng vào năm con rồng.
“Tuy nhiên không quá chấp mê bất ngộ vào việc cứ phải đẻ năm con rồng thì con cái của mình mới thông minh, mạnh mẽ, khoẻ mạnh. Con người tao ra số phận chứ không phải số phận quy định tính cánh, chi phối cuộc sống con người”, bà Hồng chia sẻ.
Theo chuyên gia việc cố gắng sinh năm rồng sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ như bùng nổ dân số, quá tải trường lớp và nhiều hệ luỵ xã hội khác.
“Chúng ta nên coi đó là một động lực để phấn đấu, tạo cho mình một niềm tin con mình sinh ra sẽ khoẻ khoắn, lanh lợi, thông minh chứ không nên quá câu nệ ép buộc mê tín”, nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định sinh con bởi vì tâm lý sinh con năm rồng mang tính thành kiến chứ không mang tính khoa học.