Cảnh báo ung thư vú ở đàn ông

Nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ ung thư vú ở nam giới đã tăng 26% trong 25 năm qua; hơn 10% đi khám thì khối u đã di căn lan sang các mô lân cận

Bị sưng đau, sờ thấy khối u nhỏ ở dưới núm vú bên trái nhưng uống thuốc không đỡ, ông N.V.H. (46 tuổi, ở Hà Nội) đến Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) kiểm tra. Bác sĩ thông báo kết quả bị ung thư vú khiến người đàn ông trung niên này ngỡ ngàng.

Gặp nhiều ở phụ nữ, "cửa tử" ở đàn ông

Ông H. băn khoăn không hiểu vì sao ở đàn ông lại bị ung thư vú - căn bệnh lâu nay chỉ thường gặp ở phụ nữ. Một năm trước, cơ thể ông H. xuất hiện khối u nhỏ dưới quầng vú trái, sờ không đau, không sưng nóng, không tụt núm; ông đi khám, điều trị theo toa thuốc của một phòng khám tư nhân. Gần đây, khối u to lên nhiều làm ông lo lắng. Đến BV kiểm tra, bác sĩ thông báo kết quả bị ung thư vú giai đoạn 3 khiến ông sững sờ. Do không phát hiện kịp thời, tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết ở lồng ngực, bệnh nhân phải xạ trị và thực hiện liệu pháp can thiệp.

Một trường hợp khác (75 tuổi, ở Nam Định) được Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) tiếp nhận. Khoảng 6 tháng trước, tự sờ thấy có u vú trái, không đau và nghĩ là bình thường nên ông không điều trị. Gần đây, khối u to dần, kèm đau tức tuyến vú. Tại BV, ông được phát hiện ung thư tuyến vú trái giai đoạn 2 và phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú trái, vét hạch, đồng thời điều trị các liệu pháp toàn thân (hóa trị, nội tiết…) và theo dõi bệnh lý về tim mạch.

Cảnh báo ung thư vú ở đàn ông - Ảnh 1.

Tầm soát ung thư vú nam giới tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Ảnh: BVCC

Tại nhiều BV, chuyên khoa ung thư đều ghi nhận có bệnh nhân điều trị ung thư vú nam. Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung Bướu (TP HCM), số bệnh nhân được BV tiếp nhận điều trị mỗi năm vài chục trường hợp, tập trung ở độ tuổi từ 50-60. Hầu hết bệnh nhân đều nhập viện ở giai đoạn trễ sau 2 năm phát bệnh, khi đó các tế bào ung thư đã di căn.

BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung Bướu - BV TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết cứ 100 bệnh nhân ung thư vú thì có 99 người là phụ nữ, còn 1 người là nam giới. Chỉ riêng BV TP Thủ Đức mỗi năm tiếp nhận điều trị 2-3 bệnh nhân nam bị ung thư vú, đều ở độ tuổi trung niên. Họ đến BV vì thấy vú có sự thay đổi như tiết dịch ở núm vú, co kéo núm vú, có khối u gồ lên...

Theo TS-BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng Khoa Ung Bướu - BV Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội), ung thư vú nam giới là bệnh lý ác tính với các tế bào ung thư hình thành từ trong mô tuyến vú và phát triển lan rộng ra toàn bộ vú. Sau đó, nó sẽ di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể nếu không được điều trị kịp thời. "Nam giới mắc ung thư vú thường được chẩn đoán muộn dẫn đến tỉ lệ tử vong cao, tiên lượng điều trị kém khả quan" - BS Khiêm cảnh báo.

Phát hiện sớm: Yếu tố sống còn

TIN LIÊN QUAN

4 mốc thời gian quan trọng quyết định tuổi thọ của nam giới, vượt qua được chẳng lo 'đoản mệnh'

5 thực phẩm được mệnh danh là "statin tự nhiên" giúp hạ mỡ máu, thông tắc mạch hiệu quả

Theo các bác sĩ, ung thư vú thường bị mặc định là căn bệnh chỉ phụ nữ mới mắc. Tuy nhiên, ở nam giới vẫn gặp và gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng. Nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ ung thư vú ở nam giới đã tăng 26% trong 25 năm qua và xu hướng đang tăng.

Đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư vú ở nam giới. Tuy nhiên, di truyền là yếu tố có thể làm tăng nguy cơ. Do đột biến ở một số loại gien, đặc biệt là gien có tên BRCA2 sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú nam giới và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Ngoài ra, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới là lớn tuổi (trên 60 tuổi), dùng thuốc liên quan đến estrogen (điều trị ung thư tuyến tiền liệt… )

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một trong số các nguyên nhân gây ra ung thư vú ở cả nam, nữ là do sự thay đổi hormone nội tiết. Ngoài ra, các yếu tố gây nguy cơ ung thư vú ở nam còn bao gồm hội chứng Klinefelter (tình trạng không phân ly nhiễm sắc thể ở nam giới), tinh hoàn lạc chỗ, viêm hoặc chấn thương tinh hoàn, cắt tinh hoàn, dậy thì muộn, vô sinh... Một số nguy cơ khác xuất phát từ vấn đề chức năng gan, béo phì, sử dụng thuốc phiện, bệnh tuyến giáp, tia bức xạ... Đặc biệt, có khoảng 20%-30% ung thư vú ở nam có nguy cơ từ các yếu tố gia đình.

Các chuyên gia khuyến cáo việc phòng ngừa, tầm soát bệnh ung thư vú nam hiện nay chưa được quan tâm nhiều. Về điều trị bệnh này ở nam giới cơ bản cũng như ở nữ giới gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... Một số khác biệt trong quá trình điều trị ở nam giới là do yếu tố nội tiết. Không như phụ nữ thường được mổ bảo tồn tuyến vú, bướu vú ở nam giới thường ít hơn nên phần lớn được cắt bỏ hết.

PGS-TS-BS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, cho biết ngày nay bên cạnh những phương pháp điều trị căn bản (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích…) cũng có nhiều tiến bộ mới trong điều trị đã mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh, góp phần kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú.

"Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời. Ở giai đoạn sớm nhất, ung thư vú ở nam giới thường có thể được điều trị bằng thủ thuật cắt bỏ nhanh chóng và an toàn. Do đó, nam giới có nguy cơ cũng nên sàng lọc, chụp kiểm tra tuyến vú định kỳ hằng năm" - PGS Phương lưu ý.

10% trường hợp di căn

Theo một nghiên cứu công bố tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ, ung thư vú ở nam giới chiếm 1% tổng số ca ung thư vú. Chính vì không phổ biến nên đàn ông có xu hướng chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu bất thường và trì hoãn việc đi khám. Đáng chú ý, hơn 10% nam giới mắc ung thư vú đi khám khi khối u đã lan sang các mô lân cận hoặc xa hơn, khi đó đã quá muộn để điều trị. Nguyên nhân chính là do đàn ông thường không chụp ngực thường xuyên nên một khu vực ảnh hưởng có thể phát triển thành khối u lớn hơn trước khi được phát hiện. Sự chậm trễ có thể khiến bệnh ung thư vú trở nên khó chữa trị hơn.