Trao đổi với phóng viên , thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp,
Người dân đến thực hiện các thủ thuật can thiệp da tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Suy sụp vì tưởng bị ung thư
Chị A. (50 tuổi) cho biết, vài năm trở lại đây, vùng cổ, nách và mặt chị bất ngờ xuất hiện các nốt "thịt dư". Gần đây, các nốt này nổi càng lúc càng nhiều, khiến bệnh nhân căng thẳng, suy sụp vì lo sợ ung thư da, thậm chí không dám đi khám.
Sau khi được người nhà động viên nhiều lần, chị A. mới đến bệnh viện khám. Tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân gặp phải tình trạng skin tag, một bệnh lý lành tính. Được tư vấn cụ thể, rõ ràng, bệnh nhân mới thở phào nhẹ nhõm vì biết mình không bị ung thư.
Người phụ nữ được điều trị bằng laser CO2, hoàn thành chỉ trong một buổi sáng. Hiện tại, các mụn "thịt dư" nổi trên da bệnh nhân đã được giải quyết.
Bác sĩ Nhi chia sẻ, hiện tượng "thịt dư" còn gọi là "đuôi da" hay "skin tag", là một dạng u lành tính, thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như cổ, mặt, ngực, nách...
Skintag có thể mang màu da, màu nâu hoặc đen, có kích thước từ vài milimet đến vài centimet. Vì lành tính, các khối u này không gây đau đớn hoặc ngứa, nhưng có thể bị kích ứng nếu bị cọ xát.
Ước tính, có 50-60% người trưởng thành bị skin tag ít nhất một lần trong đời, phổ biến ở người lớn tuổi (sau 40 tuổi), với tỷ lệ mắc bệnh tăng theo độ tuổi. Skintag thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.
Theo bác sĩ Nhi, nguyên nhân chính xác của skin tag đến nay vẫn chưa được xác định, nhưng có một số yếu tố góp phần gây ra chúng, như tuổi tác, di truyền, thừa cân, thay đổi mức độ hormone (như trong thai kỳ).
Các vùng da như nách, cổ, hoặc đùi thường xuyên bị cọ xát có thể làm tăng khả năng mắc bệnh. Ngoài ra, một số yếu tố khác như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, rối loạn nội tiết (như hội chứng buồng trứng đa nang), tác dụng của thuốc (như thuốc chống động kinh) cũng có thể gây nguy cơ bị skin tag.
Cảnh báo việc tự ý cắt bỏ "thịt dư"
Cũng theo bác sĩ Nhi, skin tag không gây nguy hiểm và không có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng khác.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, skin tag có thể gây khó chịu hoặc bị kích ứng, như khi skin tag bị cọ xát với quần áo hoặc đồ trang sức, bị ngứa, chảy máu, hay có kích thước lớn hoặc phát triển nhanh chóng.
Vì không gây hại, bệnh thường không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu "thịt dư" gây khó chịu hoặc bị kích ứng, có thể được loại bỏ bằng các phương pháp như đốt điện, phẫu thuật lạnh hoặc laser.
Trong đó, xịt nitơ lạnh là phương pháp sử dụng nitơ lỏng để làm đông và bong skin tag ra, có thể được thực hiện tại nhà hoặc phòng khám.
Còn đốt điện và laser CO2 cần được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện.
Bác sĩ cảnh báo, người dân không được tự ý cắt bỏ "thịt dư" vì có thể gây nhiễm trùng hoặc chảy máu.
Nếu skin tag có kích thước lớn hoặc phát triển nhanh chóng, hãy đến khám các bác sĩ chuyên khoa da liễu để lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp nhất.
Ngoài ra sau can thiệp điều trị, skin tag vẫn có khả năng tái phát sau điều trị. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như phương pháp điều trị, vị trí của skin tag, tuổi tác, di truyền…
Để phòng tránh, hạn chế xuất hiện tình trạng skin tag, mọi người cần giữ vệ sinh da sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên với xà phòng và nước ấm để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trên da. Tránh mặc quần áo hoặc đồ trang sức quá chật, có thể gây cọ xát và kích ứng da.
Cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và vitamin C, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc skin tag. Nếu thừa cân phải có chế độ giảm cân phù hợp.
Nếu "thịt dư" đã mọc, có kích thước lớn hoặc phát triển nhanh chóng, gây khó chịu, màu sắc bất thường, hãy đến bệnh viện để tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.