Loạn thần, ảo giác do sử dụng thuốc lá điện tử
Gần đây, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi phát hiện tình trạng những đứa trẻ còn mặc trên mình chiếc áo đồng phục học sinh tụ tập các quán cà phê, trà sữa sử dụng thuốc lá điện tử. Theo tìm hiểu, chỉ với 120.000 - 150.000 đồng, bất cứ ai cũng có thể sở hữu một “phiên bản” thuốc lá điện tử với đủ hình dạng, mùi vị.
Một cán bộ y tế tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cho biết, có bệnh nhân 16 tuổi nhập viện với các biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, nổi loạn. Khai thác tiền sử thì được biết bệnh nhân này đã có 10 năm sử dụng thuốc lá điện tử.
Bác sĩ CK2 Phạm Đức Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa cho hay, tình trạng giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử dẫn đến có những biểu hiện ảo giác loạn thần hiện nay diễn ra rất nhiều ở lứa tuổi học sinh cấp THCS và THPT.
Tuy nhiên, có một tình trạng phụ huynh giấu bệnh của con. Biết con sử dụng thuốc lá điện tử và có những dấu hiệu bất thường nhưng đa số họ nhờ tư vấn qua điện thoại, hoặc thuê cán bộ y tế đến nhà điều trị, chỉ khi nặng không còn cách nào khác mới đưa vào bệnh viện.
Cũng theo bác sĩ Cường, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng. Phụ huynh cần phát hiện sớm khi con có những biểu hiện bất thường như thay đổi về giấc ngủ, sinh hoạt… dấu hiệu về sức khoẻ với các biểu hiện hô hấp như ho hụt hơi, khó thở… Nặng hơn sẽ có biểu hiện loạn thần, ảo giác, hoang tưởng lo lắng có người hại mình, cáu gắt thậm chí có những hành vi mang tính nguy hiểm.
Thống kê tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, có khoảng gần 10 bệnh nhân ở độ tuổi từ 10 đến 16 tuổi nhập viện trong tình trạng rối loạn, loạn thần cấp nhất thời, hoang tưởng, ảo giác… liên quan đến sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá điện tử.
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, thời gian qua, nhiều đối tượng đã phun, tẩm một số thành phần có chứa chất ma tuý, gây ảo giác, kích thích cho người dùng thuốc lá điện tử, gây ra những hệ lụy khôn lường cho bản thân và xã hội.
Để lôi kéo người sử dụng, ban đầu các đối tượng cho người sử dụng dùng thử như thuốc lá điện tử thông thường, để lôi kéo. Khi người dùng đã “bị lệ thuộc”, có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn…
Thuốc lá điện tử được bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hoá thu được của bệnh nhân.
Nâng cao công tác tuyên truyền
Mới đây, tại Báo cáo số 116 của Ban Dân vận Thành ủy thành phố Thanh Hóa nhấn mạnh: Hiện nay tình trạng học sinh, nhất là học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố có hiện tượng sử dụng thuốc lá điện tử, “cỏ Mỹ” là những chất gây nghiện, gây ảo giác mạnh.
Tại một số cổng trường học có hiện tượng một số đối tượng xấu rủ rê học sinh đi chơi và bán các loại thuốc lá điện tử, “cỏ Mỹ” cho học sinh, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh và là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường, các vụ việc gây mất an ninh trật tự trong nhà trường và xã hội.
Trên cơ sở nội dung báo cáo, Thường trực Thành ủy thành phố Thanh Hóa đã có ý kiến gửi UBND thành phố chỉ đạo các trường THPT, THCS trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử, các loại chất kích thích như “cỏ Mỹ” để học sinh không sử dụng các loại này. Thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời, báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng xấu rủ rê học sinh đi chơi và bán các loại thuốc lá điện tử, “cỏ mỹ” và các chất gây nghiện khác.
Đồng thời, yêu cầu Công an thành phố chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với công an các xã, phường thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng bán thuốc lá điện tử, “cỏ Mỹ” và các chất gây nghiện trái quy định của pháp luật cho học sinh.
Ngoài ra, Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Đảng ủy các phường, xã lãnh đạo, chỉ đạo UBND, MTTQ các đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến nhân dân, nhất là phụ huynh học sinh tác hại của các loại chất kích thích để giáo dục con em mình không mua bán, sử dụng.
Theo cô Lê Thị Ngoan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (TP Thanh Hóa), nhà trường chưa phát hiện ra trường hợp học sinh sử dụng thuốc lá điện tử trong nhà trường, tuy nhiên không thể khẳng định học sinh của trường không sử dụng.
“Năm học nào cũng vậy, cứ vào tháng 9 là tháng cao điểm nhà trường tuyên truyền về an toàn giao thông và ma tuý học đường, trong đó có thuốc lá điện tử. Đến nay thì cứ mỗi tuần chào cờ, nhà trường đều quán triệt một cách triệt để, kèm theo tuyên truyền là gắn camera an ninh ở hành lang, góc khuất thậm chí cả nhà vệ sinh”, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết thêm.
Bên cạnh đó, cô Lưu Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Sơn 1 (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) cho biết, hai năm trước, học sinh của trường có tình trạng hút thuốc lá điện tử và đã xử lý 2 đợt với 8 học sinh lớp 12.
“Các em rủ nhau thành từng nhóm tập trung vào các góc khuất để sử dụng. Trước tình trạng đó, nhà trường đã phải gắn nhiều mắt camera ở các góc khuất, nhà xe… phân công bạn bè âm thầm theo dõi để báo lên ban nền nếp. Bên cạnh đó, tuyên truyền trong các buổi ngoại khoá, sinh hoạt tập thể về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử. Từ đầu năm đến nay chưa phát hiện được trường hợp nào. Tuy nhiên nhà trường cũng không dám chắc học sinh không sử dụng bên ngoài trường”, cô Phương nói.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, chưa có bất kỳ một cuộc khảo sát và đánh giá nào về thực trạng này. Tuy nhiên, đã chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng chống thuốc lá tại các cơ sở giáo dục.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa mong muốn trong thời gian tới, chính quyền địa phương có giải pháp ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của thuốc lá điện tử vào trường học, hạn chế buôn bán thuốc lá quanh khu vực trường học. Đồng thời đề xuất Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tổng hợp thông tin về học sinh phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử để Sở GD&ĐT phối hợp chỉ đạo và xử lý kịp thời.