Đó là lời cảnh báo từ nghiên cứu mới của Đại học Trung Quốc (CUHK), được báo cáo tại sự kiện thường niên của Hiệp hội Giấc ngủ thế giới hôm 17-3.
“Nhiều người có thể nghĩ rằng ngủ là lãng phí thời gian vì bạn không làm gì trong thời gian đó. Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ rất quan trọng” - Giáo sư Wing Yun-kwok, chủ nhiệm Khoa Tâm thần của CUHK, nói với tờ South China Morning Post trong cuộc phỏng vấn trước đó.
Ngủ quá ít ban đêm làm tăng cao nguy cơ mắc COVID kéo dài - Ảnh minh họa từ Shutterstock
Đó là nguyên nhân khiến nhóm nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa giấc ngủ đêm và tình trạng COVID kéo dài, vốn gặp phải ở một số người sau đợt mắc COVID-19 cấp tính, thường gặp ở các bệnh nhân nặng nhưng một số bệnh nhân nhẹ cũng mắc phải.
COVID kéo dài có thể khiến bệnh nhân cảm thấy uể oải, mệt mỏi, không khôi phục sức khỏe nhiều tuần lễ sau bệnh, ảnh hưởng đến khả năng lao động và chất lượng sống.
Trong nghiên cứu này, nhóm CUHK đã làm việc với các đối tác từ 15 quốc gia, nghiên cứu trên 17.000 người nhiễm đột phá sau khi đã tiêm 2 liều vắc-xin COVID-19 mRNA (ví dụ vắc-xin của Pfizer, Mordena...).
Kết quả được công bố trên tạp chí Translational Psychiatry cho thấy nhóm ngủ đêm ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có nguy cơ bị COVID kéo dài gấp đôi so với nhóm có giấc ngủ bình thường (6-9 tiếng).
Phó giáo sư Rachel Chan Ngan-yin, cũng từ Khoa Tâm thần CUHK, nhận định: “Tiêm chủng có thể giúp giảm rủi ro mắc COVID kéo dài, nhưng khả năng bảo vệ có thể kém rõ rệt hơn ở những người ngủ ít. Giấc ngủ có thể tăng cường khả năng miễn dịch của chúng ta. Nếu chúng ta ngủ ít hơn, khả năng chống lại virus có thể thấp hơn".
Một nghiên cứu khác của CUHK được công bố vào năm 2021 đã xem xét dữ liệu về thói quen ngủ của hơn 400.000 người ở Anh và cảnh báo thời gian trên giường ngắn hơn góp phần vào sự phát triển của các bệnh tim mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp và tắc nghẽn động mạch phổi.